Hoạt hình Châu Âu và Mỹ – Phần 1: Đi tìm nguyên nhân của sự khác biệt
Là một phần thuộc bộ 3 bài tiểu luận do Nhà Sử học, Tác giả, Nhà Giáo dục nổi tiếng Karl Cohen chấp bút, bài viết giúp công chúng có cái nhìn trực quan hơn về hiện trạng sản xuất phim Hoạt hình ngày nay. Đồng thời, tác giả còn trích dẫn ý kiến chuyên môn để làm rõ cách biệt trong quá trình phát triển Hoạt hình giữa nền điện ảnh Hoa Kỳ và Châu Âu.
Trở về thời điểm khi các nhà làm phim đầu tiên bắt đầu nhìn thấy khả năng vô tận của Animation (Hoạt hình), hình thức nghệ thuật này có thể làm được nhiều điều hơn chỉ là ghi chép lại những gì đang xảy ra xung quanh cuộc sống chúng ta. Một hành trình dài đã qua và Hoạt hình cũng chứng kiến vô số sự thay đổi. Bộ ba bài viết được xuất bản trên Animation World Network (AWN) tập trung khai thác về các tác phẩm mà người nghệ sĩ đã sử dụng để khám phá thế giới tưởng tượng của riêng mình, không bị hạn chế về không gian, thời gian hay nội dung câu chuyện.
Ảnh: AWN
Tôi tin rằng khoảnh khắc sáng tạo quý giá này thường bị chúng ta phớt lờ hoặc chẳng mấy khi chú ý đến so với những bộ phim Hoạt hình hay chương trình truyền hình Hollywood được quảng bá rầm rộ và đầy khéo léo. Mặc dù các sản phẩm Animation định dạng ngắn kéo dài khoảng 7 phút từng giữ vai trò quan trọng trong dòng chảy thường thức phim ảnh và giải trí của số đông khán giả trước khi điện ảnh xuất hiện, tuy nhiên vai trò đó ngày nay có vẽ đã lỗi thời. Dẫu có nhiều nỗ lực xây dựng một ngôi nhà bền vững hơn cho sản phẩm Hoạt hình định dạng ngắn (Animated Short) nhưng mãi đến hiện nay, chúng ta vẫn chưa có một sân chơi chất lượng dành cho hình thức này cũng như không xuất hiện bất kỳ nền tảng nào hỗ trợ tìm thấy các bộ phim như thế. Tính năng phân tích của Internet vẫn chưa phải giải pháp tuyệt vời bởi chúng thiếu sự tinh vi nhất định để đưa ra hướng dẫn tìm kiếm thỏa mãn nhu cầu người dùng.
Mục đích của bộ 3 bài viết này nhằm nâng cao nhận thức về thực trạng hiện nay của các bộ phim Hoạt hình ngắn được sản xuất độc lập và khuyến khích cuộc thảo luận có thể dẫn đến những thay đổi tích cực trong tương lai. Với bài viết đầu tiên chủ đề “Help! I Love Watching Animated Shorts”, chúng ta đã bàn về một số cách thức trình chiếu phim Hoạt hình định dạng ngắn được phát triển độc lập kể từ thời điểm suy tàn của Theatrical Cartoons.
Ở bài viết dưới đây, chúng ta sẽ thảo luận về điểm khác biệt trong khuynh hướng sản xuất Hoạt hình tại Mỹ và Châu Âu vào giai đoạn nửa sau thế kỷ XX. Những sự thay đổi đã tác động đến suy nghĩ của nhiều nhà làm phim xứ cờ hoa và tôi tin rằng khác biệt này cũng là nguyên nhân giải thích tại sao những Liên hoan phim Hoạt hình Quốc tế đang dần ngó lơ các tác phẩm Animated Short đến từ Mỹ, trong khi từng dành nhiều ưu ái cho chúng trước đây.
Điều gì đang xảy ra với các bộ phim Hoạt hình nước Mỹ?
Bạn có thể không chú ý nhiều đến các bộ phim đang xuất hiện tại khắp Liên hoan phim Hoạt hình Châu Âu, nhưng sự thật là chỉ vài cái tên được chọn để trình chiếu trong số hàng trăm tác phẩm tranh tài có nguồn gốc từ nước Mỹ. Tôi tò mò tại sao cả Liên hoan Annecy 2023 và Zagreb Animation Festival chỉ công chiếu 4 bộ phim được sản xuất tại Mỹ trong các chương trình của họ. Suốt nhiều thập kỷ, những sự kiện tầm cỡ này thường xuất hiện rất nhiều bài dự thi từ xứ cờ hoa vì chúng gắn liền cùng bảo chứng của chất lượng và hiện đại. Danh tiếng này cho thấy một sự thừa nhận quan trọng của giới chuyên môn cũng như người hâm mộ dành cho tác phẩm Hoạt hình xuất thân từ nền điện ảnh Hoa Kỳ. Đồng thời, chính những Liên hoan thế này cũng trở thành bước đệm thúc đẩy sự nghiệp của vô số nhà làm phim Hoạt hình độc lập tại Mỹ.
Ảnh: tumblr
Vì thế, tôi rất mong muốn tìm hiểu lý do vì sao hiện nay nhiều bộ phim của Mỹ đang dần bị lạnh nhạt tại những buổi công chiếu danh giá. Khi thực hiện nghiên cứu của mình, xuất hiện các ý kiến cho rằng phim Hoạt hình châu Âu thường khá khác biệt từ kinh phí, kỹ thuật và cả nội dung. Một trong những cách đơn giản để giải thích cho bản chất của sự phân chia này, đó là đối chiếu các tác phẩm được sản xuất tại Hoa Kỳ theo phương pháp thành công mang tên “công thức Hollywood” với những bộ phim của các nghệ sĩ Châu Âu sử dụng đa dạng góc độ tiếp cận.
Sự lên ngôi của Hoạt hình Hollywood – sản phẩm kinh doanh đầy tính toán
Có thể, bạn sẽ cảm thấy khó chịu với khái niệm này nhưng phần đông người trong giới kinh doanh xem các bộ phim Hoạt hình là sản phẩm. Walt Disney lần đầu tiên chứng minh rằng một tác phẩm Animation hoàn toàn có thể mang đến lợi nhuận, từ đồ chơi hay bất cứ thứ gì ăn theo nhân vật trong phim. Tuy nhiên, chúng cũng kèm theo bài học rằng phải cần đến số tiền rất lớn để sản xuất loạt phim và sản phẩm như thế. “Snow White” đã khá thành công cùng nhiều tác phẩm khác của ông từ những năm 1950, nhưng số khác lại gây thất vọng ỏ phòng vé. Nếu “Jungle Book” (1967) không mang đến thành công, có lẽ hãng phim đã ngừng sản xuất và thậm chí sẽ không mạo hiểm thực hiện “Who Framed Roger Rabbit” (1988). Vào thời điểm đó, “Jungle Book” sở hữu kinh phí đầu tư 4 triệu USD, doanh thu đạt 13 triệu USD tại Mỹ và thu về 23,8 triệu USD ở thị trường toàn cầu.
Ảnh: Renflower
Một tiết lộ không mấy dễ chịu được đưa ra vào năm 1981 bởi người đứng đầu Paramount Pictures lúc bấy giờ – Michael Eisner, ông nêu rõ những gì mà bản thân tin tưởng: “Chúng tôi không có nghĩa vụ phải làm nên lịch sử. Chúng tôi cũng chẳng có nghĩa vụ phải làm ra nghệ thuật hay đưa ra một tuyên bố nào cả. Kiếm tiền là mục tiêu duy nhất của chúng tôi.”
Dưới thời Eisner, Touchstone – công ty con của Disney đã sản xuất “Who Framed Roger Rabbit” với sự cầm trịch bởi đạo diễn Richard Williams. Tác phẩm minh chứng những bộ phim Hoạt hình sáng tạo dành cho đối tượng khán giả trưởng thành hơn sẽ có khả năng mang đến lợi nhuận cho hãng phim. Điều đó tác động đến quyết định của Disney trong việc sản xuất loạt tác phẩm thành công vang dội sau này: “The Little Mermaid” (1989), “Beauty and the Beast” (1991), “Aladdin” (1992), “The Lion King” (1994). Đây không chỉ là giai đoạn đem lại giá trị kinh doanh khổng lồ cho nhà Chuột mà còn được xem như “Thời kỳ Phục Hưng” của Disney, dấu ấn liên tiếp của các bộ phim Hoạt hình đình đám chính thức đưa thế giới bước vào kỷ nguyên siêu lợi nhuận được tạo ra từ những tác phẩm Hoạt hình thương mại. Và thậm chí, cho đến ngày nay đây vẫn là khoảng thời gian mang đến thành công lớn nhất về mặt tài chính của các tác phẩm này.
Ảnh: Disney
Trên phương diện nội dung, hầu hết kịch bản hoạt hình đều tuân theo “công thức Hollywood”. Câu chuyện thường mở đầu bằng một chuỗi hành động ấn tượng để lôi cuốn người xem và khiến họ cảm thấy hứng thú với bộ phim. Sau đó, kịch bản dẫn dắt chúng ta với lượng chi tiết vừa đủ về nhân vật chính, siêu anh hùng, nàng công chúa, v.v. để ta dần bắt đầu ngưỡng mộ các hình tượng đấy. Ý tưởng đằng sau là những nhà làm phim mong muốn người xem yêu thích, cổ vũ nhân vật trước khi tiết lộ vấn đề mà phe phản diện gây ra. Sau đó, bộ phim tiếp tục trải qua loạt sự kiện và giải pháp ở mức độ ngày càng phát triển, hấp dẫn hơn. Điều này khiến khán giả hy vọng cốt truyện sẽ chứa đựng các tình tiết lôi cuốn hay loạt hành động thú vị với những cách giải quyết thông minh trước khi bước đến phần kết phim. Tiếp đó, phân cảnh cuối cùng của bộ phim có thể được bắt đầu ở mức thấp rồi dẫn đến cao trào khó đoán. Và cảnh kết sẽ đưa đến một giải pháp cho vấn đề hoặc mở ra điểm nối tiếp cho phần phim tiếp theo nếu bộ phim thu về thành tích phòng vé như kỳ vọng.
Suốt quá trình tạo ra một bộ phim theo “công thức Hollywood”, yếu tố quan trọng là phải đặt nó trong thế giới giả tưởng nơi mà không ai có thể đồng cảm quá sâu sắc với bộ phim, điều này có nghĩa rằng đó chỉ là nhân vật trên màn ảnh và hoàn toàn không có cuộc đời tương tự trong thực tế. Ngoài ra, câu chuyện còn được thêm thắt nhiều chi tiết bất ngờ lớn nhưng sẽ không đưa vào yếu tố có khả năng dẫn đến tranh cãi. Bởi lẽ, việc này sẽ gây tổn hại đến doanh thu của bộ phim. Thay vào đó, những gì được lựa chọn đem lên màn ảnh rộng phải càng đẹp, càng bóng thì hy vọng khán giả càng ủng hộ.
Các chương trình TV dành cho đối tượng khán giả lớn hơn cũng được tạo nên từ bộ công thức khá chuẩn chỉnh, đó là hài kịch tình huống. Sản phẩm Hoạt hình đầu tiên ra đời hướng đến đối tượng khán giả trưởng thành có tên “The Simpsons”. Mỗi tuần, chúng ta được thưởng thức bộ phim hài tình huống gồm những nhân vật với “cái đầu biết nói” và số lượng chuyển động hoạt hình hạn chế. Đây là một trong những phương pháp giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, bởi nếu thực hiện chuỗi hành động thì cần nhiều thời gian, công sức và tiền bạc hơn. Thể loại phim hài tình huống hướng đến phân khúc người xem trưởng thành sẽ tạo ra cơ hội cho sự nảy nở của loạt phim mang lại con số doanh thu cao, vì thế cách tiếp cận Hoạt hình này khá hấp dẫn đối với hầu hết nhà sản xuất và hãng phim – những người mang trên mình mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận.
Ảnh: Channel 4
Thành công to lớn về mặt thương mại của các bộ phim Hoạt hình và chương trình TV như thế khiến công chúng lầm tưởng rằng họ đang được thưởng thức tác phẩm tuyệt vời. Do đó, một bộ phận khán giả cũng trở nên tự mãn với những cách thức tiếp cận tiêu chuẩn này dẫn đến sự phớt lờ hoặc từ chối cách thức tiếp cận khác, bao gồm cả phim nhập khẩu.
Những bộ phim phá cách, vượt quá xa khỏi tiêu chuẩn “công thức Hollywood” phải đối diện nguy cơ thất bại tại. Điển hình, “Fantasia” (1940) thậm chí còn không thể hòa vốn, hay “Yellow Submarine” (1968, TVC London) cũng không đạt được thành công.
Ảnh: The Phantom
Thế giới Hoạt hình đâu chỉ có “công thức Hollywood”
Bạn có thể khám phá hàng chục bộ phim Hoạt hình ấn tượng đến từ Châu Âu hay bất kỳ nơi nào trên thế giới mà không cần tuân theo khuôn mẫu Hollywood. Hầu hết, khán giả tại Mỹ biết rất ít hoặc không biết gì về Hoạt hình nước ngoài, đặc biệt tại những khu vực dân cư nhỏ bé hơn. Khi phim nhập khẩu tiến vào nước Mỹ, việc phân phối và quảng bá nhìn chung vẫn còn khá hạn chế. Điều đó đồng nghĩa rằng các nhà làm phim không nên kỳ vọng quá nhiều về việc chạm tới thành tích doanh thu nào đó tại thị trường này. Những tác phẩm có thể được đánh giá thành công về mặt nghệ thuật nhưng phần lớn công chúng chẳng bao giờ biết đến sự tồn tại của các bộ phim này. Nếu có, họ cũng không thật sự hứng thú. Tại sao điều này lại xảy ra? Có lẽ, một phần do tác động từ phương tiện truyền thông đại chúng.
Ảnh: IMDb
Chẳng hạn, các bộ phim đề tài gia đình của Tomm Moore và Cartoon Saloon đến từ Ireland. Phim của họ mang đến câu chuyện thú vị, quyến rũ và đẹp đẽ. Đôi khi, chỉ là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp, không rầm rộ bằng các chiến dịch truyền thông quảng cáo. Số liệu phòng vé (Box Office Mojo) cho thấy Secret of Kells (2000) của Tomm Moore và Nora Twomey chỉ thu về vỏn vẹn 676.775 USD tại thị trường Mỹ, Song of the Sea (2014) của bộ đôi này cũng không mấy khả quan hơn với 875.522 USD, Wolfwalkers (2020) của Moore và Ross Stewart thu về 1.266.570 USD. Những con số này đủ phản ánh mức độ quan tâm ít ỏi của khán giả thị trường điện ảnh top 1 thế giới dành cho các tác phẩm Hoạt hình nước ngoài.
Ngoài ra, The Red Turtle (2016) của Michael Dudok de Wit đến từ Hà Lan – bộ phim nghệ thuật vô cùng đã mắt từng được giới thiệu tại Liên hoan Cannes với sự hỗ trợ của Studio Ghibli Nhật Bản cũng chẳng mấy thành công khi chinh phục thị trường Mỹ. Mặc dù đón nhận sự hoan nghênh của giới phê bình cũng như một đề cử Oscar danh giá, bộ phim vẫn ngậm ngùi thất bại trên đất Mỹ với con số doanh thu khó tin 921.974 USD, trong khi con số này ở thị trường toàn cầu là 6.591.789 triệu USD.
Đặc biệt, nhắc đến các tác phẩm Hoạt hình quốc tế tìm kiếm cơ hội thành công trên đất Mỹ, chắc chắn không thể bỏ qua những thước phim anime đẹp đến nao lòng xuất phát từ đất nước Nhật Bản. Tuy nhiên, dẫu sở hữu lượng người hâm mộ đông đảo khắp thế giới, các bộ phim này vẫn không thể vươn đến thành tích tương đương đứa con tinh thần của Pixar, Disney hay hãng phim khác của Mỹ. Trong khi Disney và Pixar đã sở hữu một số bộ phim đạt doanh thu trên 1 tỷ USD thì bài báo gần đây trên Internet cho biết chỉ có 6 tác phẩm Hoạt hình từng thu về hơn 30 triệu USD tại phòng vé Hoa Kỳ, 4 trong số đó được ra mắt trong 3 năm trở lại đây. “Và đã đến lúc mọi người nên thực sự bắt đầu xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc: Anime đang bùng nổ tại thị trường Mỹ” – Animation Brew, 11/4/2022.
Xem thêm: Bản sắc riêng của hoạt hình phương Tây và phương Đông
Hayao Miyazaki được biết đến là một trong những Đạo diễn, nhà làm phim vĩ đại nhất xứ sở hoa anh đào, “Spirited Away” (2002) được giới phê bình đánh giá là một bộ phim đáng xem. Thậm chí, tác phẩm này còn mang về tượng vàng Oscar danh giá cho hạng mục phim Hoạt hình xuất sắc nhất. Đây cũng chính là bộ anime có doanh thu cao nhất của Miyazaki tại địa hạt Hoa Kỳ với 10 triệu USD ở lần đầu công chiếu (doanh thu toàn cầu là 275 triệu USD) và khoảng 30 triệu USD ở lần công chiếu lại.
Trên thực tế, phim của Miyazaki chẳng được trình chiếu nhiều tại nước Mỹ như phần đông chúng ta vẫn suy nghĩ. Các nhà phát hành thậm chí còn không muốn hao tâm tổn sức mang những tác phẩm Hoạt hình nước ngoài phổ biến rộng rãi tại nhiều địa điểm khác, vì họ cho rằng sẽ khó thu hút lượng lớn khán giả đến xem. Họ cần đảm bảo số lượng vé bán ra hằng ngày để duy trì hoạt động kinh doanh, do đó Doanh nghiệp không muốn mạo hiểm mở rộng suất chiếu cho những bộ phim nước ngoài ngay cả trong khoảng thời gian rất ngắn.
Ảnh: IMDb
Đồng thời, các phương tiện truyền thông nên góp phần chung tay giáo dục nhận thức của công chúng về giá trị của những tác phẩm Hoạt hình bên ngoài nước Mỹ. Một thực trạng dễ nhìn thấy đang diễn ra hằng ngày, đó là các bộ phim như thế bị phớt lờ quảng bá ở nhiều thị trấn và thành phố. Báo chí đưa tin về bộ phim ở San Francisco tệ đến mức tờ báo chính The Chronicle còn không cho độc giả biết rằng phim gì đang được công chiếu ngoài rạp địa phương của họ.
Tất nhiên, vẫn có một số chú cá lội ngược dòng đạt được thành công nhất định về mặt thương mại ấn tượng tại xứ cờ hoa. Tiêu biểu như dự án Hoạt hình stop-motion đầy thú vị của Vương quốc Anh “Chicken Run” (Aardman Animations, 2000) được DreamWorks sản xuất và phân phối bằng một chiến dịch quảng cáo tốn kém. Bộ phim đã thu về tổng cộng 106.934.564 triệu USD ở thị trường Mỹ và 224.874.811 triệu USD trên toàn thế giới.
Sau đó, DreamWorks tiếp tục kết hợp với Aardman Animations sản xuất thêm 2 bộ phim nữa, nhưng cho đến tác phẩm thứ 3 “Flushed Away” (2006) thì đành phải đón nhận thất bại. Điều này khiến cho CEO Jeffrey Katzenberg có lý do để chấm dứt hợp đồng sản xuất 5 bộ phim cùng Aardman. Khi đưa ra quyết định kết thúc mối quan hệ hợp tác, ông chia sẻ: “Mặc dù tôi luôn là người hâm mộ và ngưỡng mộ công việc của Aardman, nhưng các mục tiêu kinh doanh khác biệt của chúng tôi không còn có thể hỗ trợ lẫn nhau được nữa.” Khi nghe qua lời phát biểu này, chúng ta đều ngầm hiểu Jeffrey đang ám chỉ rằng trước hết anh ấy là một Doanh nhân và điều họ quan tâm là phải thu về càng nhiều lợi nhuận càng tốt.
Bên cạnh các tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt đến từ châu Âu và vũ trụ anime Nhật Bản, vẫn còn đây những dấu ấn vượt ngoài “công thức Hollywood” đáng được nhắc đến. “Yellow Submarine” có thể chưa hòa vốn nhưng bộ phim gợi lên bài học về sản xuất – một vở Hoạt hình nhạc kịch hoàn toàn có thể đáp ứng được thị hiếu của cả trẻ em và người lớn. Ngoài ra, “Fritz the Cat” (1972) – bộ phim bị gắn nhãn X đã minh chứng rằng Hoạt hình không chỉ là thế giới của trẻ em, tác phẩm được thực hiện với kinh phí vỏn vẹn 700.000 USD nhưng thu về hơn 90 triệu USD toàn cầu.
Ảnh: IFC Center
Vậy rốt cuộc, bộ phim Hoạt hình nên như thế nào?
Suốt 30 năm qua, các nhà sản xuất Hoa Kỳ và Châu Âu đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về những yếu tố tạo nên một tác phẩm Hoạt hình xuất sắc. Các hãng phim Hollywood thành công xây dựng ý tưởng của họ khi có thể đưa đứa con tinh thần chạm mốc doanh thu tỷ USD. Trong khi đó, con số này lại cực kỳ khiêm tốn tại thị trường Châu Âu và Trung Đông vì thế phim ở đây cũng có kinh phí giới hạn. Tuy nhiên, yếu tố này không nhất thiết trở thành nguyên nhân khiến bộ phim trở nên kém thú vị về chất lượng hình ảnh. Thực tế, một số tác phẩm sở hữu nội dung gốc tuyệt vời dành cho cả trẻ em và người lớn mà không bị giới hạn bởi bất kỳ khuôn mẫu nào.
Ảnh: tumblr
Có vẻ như người Mỹ trong 30 hay 40 năm qua đã vô thức chấp nhận tiêu chuẩn Hollywood cho hầu hết tác phẩm Hoạt hình và phim truyền hình. Chúng ta tự nguyện tẩy não bản thân để chỉ yêu thích những gì chúng ta thường nhìn thấy.
Ở Hoa Kỳ, chi phí đầu tư cho các dự án điện ảnh lớn đến nỗi nhà sản xuất khó chấp nhận những bước đi mạo hiểm với nguy cơ rủi ro cao. Dường như họ nghĩ rằng càng chi nhiều tiền cho truyền thông quảng bá hoặc các yếu tố tô điểm bên ngoài thì sẽ thu về lợi nhuận càng cao. Nhà làm phim Hoa Kỳ thường sử dụng lượng lớn hiệu ứng hình ảnh hay công nghệ CGI cũng như nhiều chi tiết lung linh khác trong các tác phẩm. Họ mời diễn viên nổi tiếng tham gia lồng tiếng và âm nhạc thì được tạo nên bởi những nhà soạn nhạc tên tuổi. Quan điểm đơn giản có thể bắt gặp về vấn đề này: “Tại sao lại mạo hiểm chi tiền của bản thân cho những cái tên vô danh? Những gì tốt nhất mà tiền có thể mang đến, tại sao lại không chấp nhận.”
Ảnh: amazonaws.com
Một phần công việc của Đạo diễn là khiến cho các bộ phim Hoạt hình trở nên thú vị và hấp dẫn nhất có thể. Khán giả thích thú trở thành một phần của cuộc phiêu lưu giàu trí tưởng tượng này. May mắn thay, hầu hết những câu chuyện đều sản xuất phần tiếp theo với vô số nội dung và biến thể. Thậm chí, tựa phim nối tiếp còn dễ thực hiện hơn do công chúng dã có cảm giác quen thuộc cùng cốt truyện và nhân vật trước đấy. Đồng thời, phiên bản sinh sau đẻ muộn đôi khi còn kiếm được lợi nhuận hơn so với tác phẩm gốc – yếu tố mà nhiều nhà sản xuất quan tâm.
Ở Châu Âu và Trung Đông, Đạo diễn có cách tiếp cận thực tế hơn, có lẽ vì họ không bị chi phối bởi ngân sách tương tự Hollywood. Bên cạnh đó, nhiều bộ phim Hoạt hình xuất phát từ khu vực này còn hướng đến đối tượng khán giả lớn tuổi, vì thế trọng tâm là phát triển kịch bản thông minh nhằm thu hút tệp người xem này. Điều đó dẫn đến tác phẩm xuất hiện các tình huống khá thực tế, thậm chí có sự góp mặt của những nhân vật thuộc cộng đồng LGBTQ+.
Các ví dụ điển hình về câu chuyện Hoạt hình không chỉ dành cho trẻ em có thể kể đến Suicide Shop (2012) của Patrice Leconte đến từ Pháp, một tác phẩm hài vui nhộn lấy cảm hứng từ Charles Adams trên nền thế giới nghiệt ngã. When the Wind Blows (1986) của Jimmy Murakami và George Coates, Anh Quốc miêu tả hiện thực u ám, khốc liệt sau vụ nổ hạt nhân. Persepolis (2003) của Marjane Satrapi từ Iran từng là câu chuyện nhận về đề cử Oscar với cốt truyện đời thường xoay quanh nhân vật trưởng thành từ một gia đình không ủng hộ Chính phủ đàn áp. Đây chỉ một trong số rất nhiều bộ phim mà các Đạo diễn không ngần ngại chinh phục đề tài khó nhằn, mở cánh cửa luôn đóng kín suốt nhiều năm tại nước Mỹ.
Ảnh: IMDb
Tôi có dịp phỏng vấn Marjane Satrapi khi bộ phim vừa phát hành và câu hỏi đầu tiên của tôi không như những gì cô ấy mong đợi. Tôi hỏi rằng liệu Marjane mong muốn khán giả nhận được thông điệp gì từ tác phẩm này? Câu hỏi kích thích tư duy đó khiến cô phấn khích đến mức dành ra hơn nửa tiếng đồng hồ để chia sẻ với tôi câu chuyện về các Chính trị gia. Và cô lo sợ điều khủng khiếp có thể xảy ra từ loạt suy nghĩ của các nhân vật này.
Cho đến khi tôi phỏng vấn Ari Folman – vị Đạo diễn đến từ Israel, người cầm trịch kịch bản và chỉ đạo bộ phim thu về đề cử giải thưởng Oscar và Annie với “Waltz with Bashir” (2008). Anh bảo rằng, anh làm phim này để cảnh báo thanh thiếu niên Israel trong độ tuổi quân sự không nên tin vào viễn cảnh tốt đẹp, tôn vinh người lính mà truyền thông tô vẽ. Anh hy vọng họ biết rằng khi anh còn là người lính tham gia vào chiến trường Lebanon, đấy thực sự là trải nghiệm khủng khiếp. Mặc dù bộ phim được hàng nghìn người Israel đón nhận nhưng tiếc thay, hầu hết thuộc đối tượng khán giả trưởng thành mà không phải thanh thiếu niên anh hướng đến.
Ảnh: IMDb
Cùng Vietnam VFX-Animation đón chờ phần tiếp theo của bài viết chuyên sâu này để khám phá rõ hơn sự khác biệt trong quan điểm sản xuất và khai thác phim Hoạt hình giữa hai nền điện ảnh Hoa Kỳ và Châu Âu nhé!
*Bài viết được thực hiện bởi Karl Cohen, một Nhà Sử học, Tác giả, Nhà Giáo dục nổi tiếng và là Chủ tịch của ASIFA-San Francisco. Ông đóng góp nhiều bài nghiên cứu chuyên sâu cho AWN.com suốt các thập kỷ qua, một số được tờ The Guardian (Anh) và các ấn phẩm cũng như trang web khác tái bản. Bài viết thu hút nhiều lượt đọc nhất của ông liên quan đến chủ đề CIA sử dụng Hoạt hình để tuyên truyền trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, xuất bản lần đầu tiên trên AWN. Ông còn tham gia vào quá trình giảng dạy Lịch sử tại SF State trong 29 năm, đứng lớp tại nhiều Học viện, trường học khác khắp Bắc Mỹ, Châu Âu, Trung Đông và Trung Quốc.
Nguồn: AWN
Diệu Ngô