Industry Insight #4 – Nguyễn Trương Kiên (Phần 1): Hành trình 14 năm liên tục lùi lại để tiến xa hơn
Xây dựng Zodiac II Media chỉ sau 2 ngày kể từ khi công ty cũ thất bại, sự can đảm và chiến hết mình cho từng giây phút làm nghề đã đưa cái tên Nguyễn Trương Kiên ngày càng tỏa sáng trên bản đồ VFX-Animation nước nhà.
Tự nhận bản thân là mẫu người khá liều lĩnh, dám từ bỏ mức thu nhập nghìn đô cùng vị trí Creative Director tại một trong những công ty phát hành game hàng đầu Việt Nam, cũng như lời đề nghị làm việc tại Riot Games ở Mỹ để toàn tâm toàn ý cống hiến cho niềm đam mê VFX. Nguyễn Trương Kiên (Founder Zodiac II Media) – cái tên quen thuộc với những ai từng yêu mến Team Flash một thời đã không ngừng học hỏi, thử thách bản thân để xây dựng chỗ đứng vững chắc ở ngành công nghiệp không ngừng đổi thay này.
Trong cuộc trò chuyện với Vietnam VFX-Animation, bạn sẽ thấy rõ ở anh không chỉ tình yêu to lớn dành cho VFX mà còn là tinh thần dũng cảm, dám lựa chọn và đi đến cùng với mỗi quyết định của bản thân. Chắc chắn những chia sẻ từ anh Trương Kiên sẽ trở thành nguồn tư liệu tham khảo quý giá, hỗ trợ cộng đồng độc giả, đặc biệt là các bạn trẻ tháo gỡ phần nào nỗi băn khoăn, tự tin đưa ra quyết định đúng đắn cho từng giai đoạn của sự nghiệp VFX.
Chắc hẳn, khán giả của Vietnam VFX-Animation đang háo hức gặp gỡ và trò chuyện cùng anh hôm nay. Để mở đầu buổi chia sẻ, anh có thể giới thiệu đôi chút về bản thân được không ạ?
Xin chào các bạn, anh là Nguyễn Trương Kiên và đã làm việc trong ngành VFX gần 14 năm. Hiện nay, anh là Founder kiêm CEO của Zodiac II Media – Một studio chuyên sản xuất kỹ xảo hình ảnh cho TVC, MV và feature film có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh.
Thời điểm anh gia nhập ngành thì lĩnh vực này chưa quá phổ biến tại Việt Nam, anh có thể cho mọi người biết lý do vì sao anh lại lựa chọn VFX giữa vô số công việc tiềm năng khác lúc bấy giờ?
Giai đoạn những năm 2009-2010, gần như chưa nhiều người biết đến VFX. Về bản thân, anh cũng thuộc người khá có hoa tay, thích vẽ và được đi học vẽ. Hầu hết thời điểm đấy, những ai giỏi về Mỹ thuật, Hội họa thường sẽ được gia đình định hướng theo con đường trở thành Họa sĩ hoặc Kiến trúc sư. Anh cũng thi mấy năm để vào Kiến trúc nhưng tiếc là không đạt nguyện vọng 1 nên cảm thấy rất buồn, rồi cơ duyên tìm đến khi anh nhận được lá thư mời từ Arena Multimedia. Bố mẹ hỏi có muốn thử sức không vì thấy nó cũng hay hay, anh thì bảo sao cũng được và tiến hành ghi danh theo học tại Arena. Đồng thời, anh còn trúng tuyển nguyện vọng 2 vào khoa Kiến trúc công trình của trường Đại học Đông Đô vì thế đã học song song hai trường vào thời điểm đấy. Thật ra cũng không mất quá nhiều thời gian vì thời gian học tại Arena chủ yếu vào buổi tối.
Sau khi quyết định theo học tại Arena Multimedia, anh cảm nhận như thế nào, có hối hận về quyết định của bản thân không?
Sự thật là càng tiếp xúc, càng học tập nhiều tại Arena thì anh nhận ra có một thế giới khác hẳn đang tồn tại, khác hoàn toàn so với những gì mà người lớn, nhà trường hay các đơn vị hướng nghiệp vẫn hay tư vấn. Anh thầm nghĩ “Oh, những cái này mình chưa nhìn thấy bao giờ”, vì thế anh càng lúc càng yêu VFX hơn nữa, càng muốn làm phim hơn nữa. Chính điều này dẫn đến việc đôi lúc anh tập trung nhiều hơn cho bên Arena Multimedia, nếu cả hai trường đều thi cùng ngày thì sẽ bỏ thi bên kia và chọn bên đây. Vì tình yêu quá lớn nên cái gì đến cũng phải đến thôi, anh nợ khoảng 10 môn bên Kiến trúc. Khi bố mẹ biết chuyện thì rất buồn rồi khóc hết nước mắt, nhưng gia đình thấy anh quyết tâm quá vì thế đã cho phép anh theo đuổi con đường VFX.
Tuy nhiên, vấn đề khác xuất hiện đó là học phí thời điểm đó của Arena dao động khoảng 60 triệu/năm nên để nuôi một người con học VFX thì cũng khó cho bố mẹ. Hơn nữa, gia đình vẫn còn một người em nên là có thể nói nhà anh lúc đó đang bị khủng hoảng về mặt kinh tế.
Vậy anh đã làm thế nào để có thể tiếp tục theo đuổi niềm đam mê VFX?
Anh quyết định dừng lại việc học và ưu tiên đi tìm việc để có tiền trang trải trước mắt. Trong quá trình học VFX thì còn được học về Digital Art nên anh đã ứng tuyển vào các công ty game mobile ở vị trí Digital Artist, nhưng có lẽ cơ duyên là dành cho VFX chứ không phải Digital Art. Mặc dù đã gửi CV cho 10 công ty nhưng vẫn không được nơi nào chấp nhận. Đúng lúc đó, người bạn nhắn tin rằng Garena đang tuyển dụng Video Editor và thuyết phục anh đăng ký ứng tuyển xem thế nào. Thật ra, bản thân từng tồn tại suy nghĩ 10 công ty kia còn không nhận thì làm sao tập đoàn lớn như Garena lại tuyển được cơ chứ. Tuy nhiên, vào thời điểm đấy Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) cực kỳ hot nên anh quyết định đánh liều gửi hồ sơ và may mắn đã trúng tuyển.
Khi cơ hội này đến, anh có cảm thấy lo lắng hay không và anh đã ứng dụng kiến thức nền tảng về VFX ra sao tại một công ty chuyên phát hành game?
Thời điểm anh làm việc tại công ty thì anh phát hiện đa phần edit chỉ dừng lại ở mức cơ bản, do đó anh muốn bắt đầu dựa vào những kiến thức được học về VFX để áp dụng vào công việc hằng ngày. Đây là cơ sở tạo ra dấu mốc mà đến tận bây giờ anh vẫn chưa thể nào quên, đó là video do anh sáng tạo hoàn toàn dựa vào trí tưởng tượng của bản thân rồi đăng tải lên fanpage Liên Minh Huyền Thoại đã thu về sự đón nhận của cộng đồng trong và ngoài nước. Từ đó, anh cũng được các sếp tin tưởng hơn vì thời điểm đấy hầu hết nội dung do Riot Games phát hành về LMHT tại các thị trường trên thế giới đều giống nhau 100% nên video do anh tạo ra đã khiến nhiều khu vực khác hứng thú và ghen tỵ với Việt Nam.
Tuy nhiên, về sau anh nhận ra không thể cứ input mãi những yếu tố VFX nhỏ nhỏ như thế vào video mà cần phải làm ra một sản phẩm hoàn thiện, thuần túy VFX để phục vụ mục đích quảng cáo game. Ngày còn bé, anh từng trải nghiệm nhiều tựa game của các công ty lớn như Worldcraft, NCSoft với những cinematic rất đẹp, thậm chí quảng cáo xuất hiện trong game cũng vô cùng sáng tạo và chứa đựng nhiều yếu tố VFX. Nhưng tại thị trường Việt Nam, ngành chỉ gói gọn với những bộ trang phục cosplay, diễn viên đứng trên phông xanh và background vô cùng đơn giản. Vì thế, anh mạnh dạn đề xuất thực hiện quảng cáo ứng dụng công nghệ VFX nhưng hầu hết mọi người thời điểm đấy đều không tin cách này sẽ mang đến hiệu quả. Sau đó, anh đành phải tìm người đồng hành, tự làm và cho công ty nhìn thấy kết quả trước thì mới có thể nhận được sự tin tưởng cho các dự án lớn hơn.
Trong khoảng thời gian tham gia các khóa học VFX, anh có quen biết anh Hoàng Việt Hùng – Founder của Sparta VFX. Và rồi anh mở lời đề nghị hợp tác sản xuất video quảng cáo game ứng dụng VFX, thực ra anh Hùng cũng nhận thức được thực trạng lúc đó của ngành nên đồng ý làm free cùng anh luôn. Sau khoảng thời gian gặt hái được một số thành công nhất định, các lãnh đạo bắt đầu nhận thấy sản phẩm phong cách thế này sẽ thu hút giới trẻ, dẫn đến doanh thu công ty tăng lên so với những dự án truyền thống. Từ đó, công ty dần đầu tư chi phí xây dựng VFX, thực hiện MV nhiều hơn. Đặc biệt, anh còn nhận được lời mời làm việc cho trụ sở chính của Riot Games tại Mỹ nhưng cuối cùng anh quyết định lựa chọn ở lại Việt Nam để tiếp tục phát triển, chuyển hoàn toàn sự tập trung dành cho VFX và kết thúc thời gian làm việc tại Garena.
Có phải đây cũng là thời điểm anh quyết định thành lập studio cho riêng mình luôn phải không?
Lúc này, anh muốn tập trung hoàn toàn cho VFX nên quyết định vào làm việc tại Sparta VFX. Thời điểm đó anh tương tự nhiều bạn trẻ, làm lại từ đầu bằng vị trí Compositing Artist. Mức lương, chất lượng cuộc sống cùng nhiều yếu tố khác cũng thay đổi hẳn so với trước kia. Tuy nhiên, anh đã xác định tâm thế sẽ sẵn sàng lùi lại không chỉ một bước mà thậm chí rất nhiều bước để bản thân vươn tới mục tiêu bản đặt ra. Nếu không trở về cấp bậc Junior thì sao anh học hỏi được gì bởi lẽ nói thì dễ nhưng làm thực tế lại rất khó.
May mắn sao, lúc đó cũng có một tổ chức thể thao điện tử đến từ Singapore đưa ra lời mời anh về làm Creative cho họ với mức thù lao khá cao. Sau khi cân nhắc công việc bên Sparta VFX thì anh đã chấp nhận làm việc cho họ nhưng chỉ ở hình thức part-time, cũng như chỉ nhận toàn bộ mức lương mà bên họ đề xuất nếu anh mang đến kết quả thực tế.
Làm song song cho hai bên như vậy, làm sao để anh anh cân bằng thời gian và đảm bảo chất lượng dự án?
Thật ra lúc đó anh phải làm việc khoảng 16-18 tiếng mỗi ngày, cứ 8 tiếng ở Sparta rồi thêm 6-8 tiếng cho bên kia. Vì thế, anh luôn luôn rơi vào tình trạng thiếu ngủ nhưng anh cũng xác định rõ mục tiêu là phải kiếm tiền để tiếp tục tham gia các khóa học VFX nhằm nâng cao và trau dồi năng lực bản thân. Sau khoảng 6 tháng thì Sparta nâng lương cho anh cũng như bên kia đã trả toàn bộ lương, tự nhiên anh dần trở nên dư dả.
Tuy nhiên, khi thành tích của đội tuyển thể thao điện tử đi lên thì lịch trình làm việc của anh cứ thế dày đặc thêm. Gần như anh ở nước ngoài nhiều hơn Việt Nam, phải luôn xin phép làm việc online cho bên Sparta. Và rồi anh bắt đầu cảm thấy có vấn đề, bản thân chỉ có thể làm tốt công việc cho một phía mà thôi. Do đó, sau khoảng thời gian cân nhắc, anh đã đưa ra quyết định chia tay Sparta VFX để tập trung cho bên đội eSports.
Có vẻ như con đường VFX của anh phải trải qua nhiều ngã rẽ, vậy cơ duyên nào đưa anh đến quyết định thành lập Zodiac II Media?
Khi chuyển sang đội tuyển thể thao điện tử làm việc fulltime, Team Flash thời điểm đấy liên tục gặt hái thành công từ trong nước đến quốc tế. Với vai trò của một Creative Director, nhiệm vụ chủ yếu của anh là quản lý ý tưởng, còn lại anh cũng tận dụng thời gian để đăng ký học thêm kiến thức về VFX tại các trường nổi tiếng như Rebelway. Hai năm với tất cả những thành công tại mảng eSports thì đội nhóm bắt đầu đối diện một số vấn đề nội bộ dẫn đến giải thể. Sau sự việc này, anh kết hợp cùng Giám đốc lúc bấy giờ của Team Flash để thành lập studio chuyên về VFX mang tên Gem Studio. Trong đó, anh sẽ phụ trách phương diện kỹ thuật còn bạn ấy đảm nhận phần kinh doanh.
Tuy nhiên, dường như lúc này anh còn khá ngây thơ khi cho rằng VFX chỉ cần hình ảnh đẹp thì chắc chắn có khách hàng, thực tế lại trái ngược hoàn toàn. Mặc dù có 1 tỷ đồng góp vốn của nhà đầu tư ở giai đoạn đầu nhưng chỉ khoảng 6 tháng đã ngốn hết số tiền mà không mang về kết quả kinh doanh như mong đợi, vì thế họ quyết định không tiếp tục đổ tiền cho studio. Đây cũng là bài học đầu tiên của anh khi xây dựng studio riêng, nó không dễ dàng như những gì bản thân hình dung.
Dựa trên kinh nghiệm của lần phá sản này, hai ngày sau studio Zodiac II Media đã ra đời. Với hành trang “học phí 1 tỷ” mang theo hồi đấy, anh vận hành Zodiac một cách cẩn thận hơn, chọn đúng thị trường ngách về MV, TVC để thực hiện. Cho đến bây giờ, studio vẫn sống sót và hoạt động tốt sau đại dịch Covid-19, đấy là toàn bộ hành trình gần 14 năm sống với nghề VFX của anh.
Trong gần 14 năm qua, anh đã tự tạo dựng công thức thành công của riêng mình. Những điều này không chỉ đến từ sách vở mà còn xuất phát từ cảm nhận, đam mê và cả sự liều lĩnh nhất định. Tuy nhiên, sự mạo hiểm hiểm chỉ được thực thi khi đã tính toán đầy đủ tất cả đường lui cho bản thân. Và rồi anh chấp nhận từ bỏ công việc với mức đãi ngộ cực tốt, liên tục quay về vạch xuất phát, lùi lại nhiều bước để tiến xa hơn trong tương lai.
Chia sẻ sâu hơn về đứa con tinh thần Zodiac II Media, điều gì khiến anh lựa chọn TVC và MV trở thành mảng sản xuất chủ đạo của studio thay vì những dự án phim điện ảnh, truyền hình?
Hầu hết, mọi người biết đến công ty chủ yếu nhờ vào các dự án sản xuất MV và TVC. Nhưng trên thực tế, bên anh vẫn nhận thực hiện VFX cho phim và hợp tác với những đồng nghiệp đến từ studio khác để làm phim chiếu rạp.
Về lý do tại sao Zodiac tập trung vào ngách TVC và MV, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ nguồn vốn cũng như số lượng nhân sự hạn chế ở giai đoạn đầu thành lập. Bởi lẽ, làm phim luôn cần đến đội ngũ ít nhất khoảng 16 người trở lên mới đảm bảo đủ năng lực sản xuất. Thời gian đầu, công ty chỉ có 2 người và anh suy nghĩ chắc chắn không được phép lặp lại thất bại trước đấy. Do đó, anh cần nhìn vào thực tế để đưa ra phương án vận hành Zodiac thông minh hơn trong phạm vi khả năng mà bản thân có thể xoay sở. Trộm vía, dù mới thành lập nhưng Zodiac đã nhận liên tục 4 dự án so với studio cũ chỉ có được 2 dự án trong vòng 6 tháng. Và trong 4 sản phẩm này, có đến 2 MV leo thẳng lên Top 1 Trending Youtube, góp phần đưa tên tuổi của Zodiac đến gần hơn với các khách hàng.
Ngoài vấn đề nguồn vốn hay năng lực nhân sự thì workflow cũng là câu chuyện khá phức tạp của lĩnh vực tại VFX Việt Nam. Mặc dù ngành này đã tồn tại ở nước ta hơn chục năm nhưng hầu hết các công ty vẫn sử dụng những quy trình từ xưa. Mà tính anh cũng liều lĩnh, luôn cố gắng tìm hiểu những phần mềm, kỹ thuật mới ở thị trường phát triển hơn như Hollywood để áp dụng vào studio, vì mình còn non trẻ chẳng có gì để mất nên anh muốn ứng dụng nhằm làm tăng hiệu suất công việc. Hiện tại thì anh vẫn đang trong quy trình thử nghiệm, do đó chỉ dám thử nghiệm một mình, chưa dám kết hợp nhiều với các đối tác vì nếu không tốt thì có thể ảnh hưởng và làm “bám bụi” danh tiếng gây dựng bấy lâu nay.
Thêm một lần nữa anh đang có cái nhìn cho tương lai để mang quy trình tiên tiến đó về Việt Nam và thử nghiệm ngay chính tại studio của mình. Vậy xuyên suốt hành trình 14 năm theo nghề, từ khi làm thuê đến lúc làm chủ, anh nhận thấy người làm VFX thường sẽ gặp nhiều khó khăn ở giai đoạn nào nhất?
Như anh đã chia sẻ, với cá nhân anh đó là vấn đề của tiền bạc và làm sao để vượt qua giới hạn của bản thân. Nếu như để đưa ra lời khuyên dành cho các bạn đang mong muốn tiếp cận VFX thì anh nghĩ điều khó khăn nhất nằm ở việc phải THỰC SỰ có ĐAM MÊ. Muốn giỏi, muốn vượt lên trên người khác, các bạn nhất định phải luôn khao khát tìm hiểu thêm, không ngừng tìm kiếm những điều mới mẻ. Bởi lẽ, hầu hết người trẻ khi tâm sự với Kiên mặc dù luôn bảo muốn học đủ thứ nhưng các bạn lại rất dễ chán nản và không vượt qua được chính bản thân mình.
Đặc biệt, VFX là lĩnh vực cực kỳ “buồn cười”, khi nhìn vào sản phẩm cuối cùng thì các bạn cảm thấy rất hào nhoáng và luôn mong muốn được như thế. Nhưng đến lúc thực sự theo nghề, bạn phải làm những việc nhỏ nhặt nhất, vô cùng nhàm chán thậm chí còn rất học thuật, liên quan đến cả Toán học, Vật lý. Nhiều bạn trẻ khi học phổ thông vì không yêu thích Toán, Lý, Hóa vì thế lựa chọn trốn chạy sang các bộ môn nghệ thuật, trong đó có VFX nhưng đây là sai lầm của các bạn. Bởi lẽ, khi học sâu hơn bạn sẽ nhận thấy nhất định cần phải tìm hiểu các kiến thức này.
Ngoài ra, anh còn nhận thấy phần lớn các bạn trẻ Việt Nam đang bỏ qua nền tảng liên quan đến Mỹ học, Mỹ thuật và Nhiếp ảnh. Tuy nhiên, đây chính là cơ sở quan trọng giúp bạn trở thành một VFX Artist thành công. Thực tế chứng minh, không Artist nào anh từng quen biết sẽ đạt được thành tựu nếu không sở hữu nền tảng tốt, vì thế bạn bắt buộc phải trau dồi những kiến thức này. Bản thân anh cũng đã cố gắng vượt qua cám dỗ của sự hào nhoáng để tập trung vào nền tảng Mỹ thuật và tư duy logic khi làm nghề.
Xem thêm: Industry Insight #4 – Nguyễn Trương Kiên (Phần 2): VFX không phải sân chơi mà là chiến trường
Industry Insight là chuỗi Talkshow chuyên môn đặc biệt do VFX Animation Việt Nam xây dựng. Trong mỗi tập, chúng ta sẽ được gặp gỡ, trò chuyện với một khách mời đang làm việc trong ngành công nghiệp sáng tạo và rất thành công trong lĩnh vực của mình. Thông qua những góc nhìn mới mẻ, bạn sẽ tìm thấy nhiều hơn một câu trả lời cho cùng một chủ đề, đó có thể là hành trình trở thành một đạo diễn, con đường chinh phục vị trí VFX Artist, hoặc cũng có thể là quá trình khám phá bản thân trong thế giới 3D Animation. |
Phỏng vấn: Hà Uông
Bài viết: Diệu Ngô
Thiết kế: Olianji