Khiến người xem “đổ đứ đừ”, One Piece live-action không phụ tâm huyết của cả đoàn làm phim
Cuối phim, chiếc thuyền Going Merry tự hào ra khơi, không chỉ mang theo bao ước mơ của băng hải tặc Mũ Rơm mà còn ôm giữ hy vọng của tác giả Oda và những con người đã cống hiến hết mình cho tuyệt tác chuyển thể này.
Chính thức trình làng vào ngày 31 tháng 8 vừa qua, One Piece – series live-action đáng mong đợi của Netflix đã đưa khán giả bước vào cuộc hành trình kỳ vĩ cùng với Luffy và những người bạn đồng hành của cậu ấy. Siêu phẩm này được nhận xét là một tác phẩm trên cả tuyệt vời, mang lại sức hấp dẫn khó cưỡng cho fan “Mũ Rơm” và đồng thời thu hút sự chú ý của cả non-fan lẫn những khán giả không phải là tín đồ của anime.
Trước khi ra mắt toàn cầu, One Piece live-action gặp phải nhiều ý kiến trái chiều, nhưng cuối cùng loạt phim đã không chỉ thành công chinh phục giới phê bình mà còn ngạo nghễ chiếm spotlight trên khắp nền tảng mạng xã hội. Đặc biệt, với số điểm 8.6 nhận được từ hệ thống đánh giá IMDb và mức chấm 83% từ Rotten Tomatoes, bộ phim đã mang lại “trái ngọt” đáng nhớ cho cả tác giả Eiichirō Oda và những người đã ủng hộ bản gốc One Piece trong gần 3 thập kỷ qua.
Poster của One Piece live-action. Nguồn ảnh: Anime Corner
Nam diễn viên chính của One Piece – Iñaki Godoy đã chứng kiến lượng người theo dõi trên Instagram của mình tăng vọt từ 28.000 lên 450.000 trước thềm ra mắt bộ phim. “Tôi nghĩ ai trong chúng tôi cũng đều choáng váng trước những gì đã diễn ra, thật sự quá bất ngờ!”, Peter Friedlander – người đứng đầu bộ phận kịch bản phim dài tập ở Hoa Kỳ và Canada của Netflix chia sẻ với Variety, “Chúng tôi biết One Piece live-action đã sở hữu một lượng lớn người hâm mộ trước khi ra mắt, nhưng khoảnh khắc nhìn thấy các diễn viên bước lên sân khấu, cả chúng tôi và họ đều không thể thốt nên lời. Họ phấn khích khi nhận được vai diễn tuyệt vời này, chúng tôi cũng xúc động trước cảm giác tựa như “nhân vật bước ra từ truyện tranh”. Trải nghiệm được xem các diễn viên đóng phim thật sự tràn đầy cảm xúc!”
Dựa trên manga và anime dài tập cùng tên của Eiichirō Oda, One Piece live-action đã hội tụ dàn diễn viên xuất sắc đến từ nhiều quốc gia do chính tác giả Oda chọn mặt gửi vàng, bao gồm: Diễn viên trẻ “newbie” Iñaki Godoy (trong vai Luffy), Emily Rudd (Nami), Taz Skylar (Sanji), Mackenyu (Zoro) và Jacob Romero (Usopp). Băng hải tặc Mũ Rơm đã chính thức ra khơi cùng con tàu Going Merry của họ trên Netflix, với mục tiêu tìm kiếm kho báu “One Piece” vĩ đại nhất thế giới, và tất nhiên không thể vắng mặt lực lượng hải quân luôn theo sát họ trên mỗi chặng đường.
Từ trái sang phải: Jacob Romero Gibson (Usopp), Mackenyu Arata (Roronoa Zoro), Emily Rudd (Nami), Iñaki Godoy (Monkey D. Luffy), Taz Skylar (Sanji). Nguồn ảnh: Netflix
“Thật sự rất vui khi sớm thấy được phản ứng tích cực của khán giả trước ngày phát hành bộ phim,” Friedlander xúc động bày tỏ, “Với phần teaser và trailer tung ra, chúng tôi đã cố gắng cho người hâm mộ thấy được sự nhiệt huyết của mình dành cho tác phẩm này và chương trình này. Tôi cảm thấy tràn đầy hy vọng và tự tin khi được chung tay làm nên câu chuyện của One Piece.”
Khi ngày phát hành đến gần, đội ngũ Marketing và PR của Netflix bắt đầu thu hút sự quan tâm của người hâm mộ bằng 10 sự kiện quốc tế hấp dẫn được tổ chức tại Los Angeles, Paris, Jakarta và Tokyo. Trong đó, bộ phận sản phẩm tiêu dùng đã sẵn sàng ra mắt dòng quần áo Zara “One Piece” vào cuối tháng 9, tức sau khi chương trình ra mắt. Bên cạnh đó, trên sàn thậm chí còn tung ra nhiều mặt hàng hơn tại các outlet nổi tiếng trong giới Otaku như Hot Topic, Bandai, Hot Toys, Liverpool của Mexico và HMV của Vương quốc Anh.
Áo One Piece. Nguồn ảnh: Zara
Figure Nami dựa trên hình mẫu diễn viên Emily Rudd. Nguồn ảnh: Hot Toys
Kiểu chuẩn bị này là chưa từng có tiền lệ với một chương trình vừa mới phát sóng mùa đầu tiên, và nó cho thấy một niềm tin mãnh liệt của Netflix vào tương lai của One Piece. Đó gần như là nỗ lực cuối cùng của họ trong việc chuyển thể các tác phẩm nổi tiếng của Nhật Bản thành loạt phim hành động trực tiếp. Chẳng hạn trước đó là Cowboy Bebop do John Cho dẫn dắt, trong nhiều năm xây dựng, không gian khoa học viễn tưởng phương Tây đã trở thành một cú thất bại và bị hủy bỏ trong chưa đầy một tháng sau khi phát hành vào tháng 11 năm 2021.
Nhà sản xuất điều hành kiêm CEO của Tomorrow Studios – Marty Adelstein, người đã sản xuất Cowboy Bebop cho Netflix trước khi bắt tay thực hiện One Piece cho biết: “Một trong những bài học nhớ đời của chúng tôi là việc người hâm mộ mong đợi bạn theo đúng tinh thần nguyên tác hoặc đừng phá vỡ hình tượng và câu chuyện nguyên bản của tác giả. Khi đọc bình luận của người xem, nó thường xoay quanh vấn đề ‘người A đóng không giống nhân vật này, người B đóng lệch nhân vật kia’, v.v. Điều này thực sự đã để lại cho chúng tôi rất nhiều bài học cần lưu ý trong quá trình tạo ra One Piece.”
Phản ứng dữ dội đối với Cowboy Bebop cũng là lời cảnh tỉnh cho thấy bản chuyển thể của One Piece có nhiều khả năng sẽ đối mặt với hàng loạt nhà phê bình tiềm năng. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của Oda và nhà xuất bản manga One Piece – Shueisha, Tomorrow Studios và Netflix đã sở hữu một đội ngũ tốt nhất có thể để đảm bảo series bám sát được với nguyên tác của nó.
“Mục tiêu của mọi người là đảm bảo khi khán giả xem bộ phim, họ sẽ nghĩ đây là phiên bản live-action của manga, giống như một niềm tự hào khác trong di sản của Oda vậy,” Becky Clements – chủ tịch của Tomorrow Studios, đơn vị đã thành công giành quyền phát triển series One Piece live-action với sự hợp tác cùng Oda và nhà xuất bản Shueisha vào năm 2017. “Mọi người sẽ được xem phim ở một thể loại khác, nhưng vẫn có thể nảy sinh phản ứng và cảm xúc tương tự như với câu chuyện ban đầu.”
Iñaki Godoy trong vai Monkey D. Luffy. Nguồn ảnh: Netflix
Netflix đã chọn series này vào tháng 1 năm 2020, ngay trước khi đại dịch COVID-19 hoành hành. Theo Friedlander, “ông lớn” streaming đã nhanh chóng hình thành một “nakama” (仲間), tức một nhóm gắn kết như Luffy và băng Mũ Rơm của cậu ấy trong One Piece, bao gồm đội ngũ nhân viên hùng hậu của Netflix tại Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc để cống hiến hết mình cho màn chuyển thể lần này.
“Chúng tôi chưa từng làm điều gì tương tự trước đây,” Friedlander cho biết, “Những cuộc gọi vào đêm muộn, sáng sớm và hàng loạt email mà mọi người gửi đến… Từng chút một đều nhằm giúp chương trình diễn ra một cách tốt đẹp hơn, và tôi nghĩ đó thực sự là một yếu tố đặc biệt làm nên thành công của One Piece, bởi chúng tôi muốn có những quan điểm khác nhau từ cộng đồng người hâm mộ.”
Người đồng điều hành series One Piece cùng với Matt Owens – Steven Maeda, cho biết bộ phim được quay ở Cape Town, Nam Phi và là sản phẩm lớn nhất từ trước đến nay của Netflix ở Châu Phi. Siêu phẩm được đầu tư với ngân sách đủ đầy, không chê vào đâu được và đặc biệt sở hữu “con dấu” phê duyệt của Oda trong toàn bộ quá trình sản xuất.
Từ trái sang phải: Colton Osorio trong vai Luffy lúc nhỏ, Peter Gadiot trong vai Shanks ở phần 1 – One Piece. Nguồn ảnh: Netflix
Vào ngày 18 tháng 8, tài khoản YouTube của Netflix Nhật Bản đã chia sẻ hai video bao gồm các trích dẫn từ lời nhắn gửi của tác giả dành cho Netflix về dự án One Piece live-action, để người hâm mộ thấy được sự quan tâm của Oda đối với dự án và những lời nhắn nhủ của cá nhân anh dành cho nhà sản xuất series này.
Lời nhắn gửi của tác giả Oda dành cho Netflix:
Thân gửi Netflix,
Chúng ta cần cân nhắc đến trường hợp xấu nhất.
Tôi không thể nhận xét điều gì đó tốt trong khi nó không hề được như vậy.
Mọi thứ đang rất ổn nhưng chúng ta có thể làm tốt hơn cả thế.
Người hâm mộ tin tưởng tôi, do đó, tôi không thể làm phật lòng họ.
Chúng ta thực sự đã tìm thấy một Luffy ngoài đời thực và tôi cực kỳ bất ngờ về điều này.
Thực lòng, tôi vô cùng cảm động trước cách mà tâm huyết của mọi người dành cho ONE PIECE được thể hiện xuyên suốt mọi khung hình của bộ phim.
Thân ái,
Eiichiro Oda
Phản hồi của Netflix với tác giả Oda:
Thân gửi tác giả Eiichirō Oda,
Việc tái hiện bản live-action 1:1 là điều không thể.
Chuyển thể live-action không phải là sao chép mà nó nằm ở khả năng lột tả câu chuyện.
Chúng tôi cũng chưa hài lòng về những gì đang diễn ra.
Chúng tôi muốn viết lại lịch sử cho các bản chuyển thể live-action.
Chúng tôi hiện có hai mục tiêu đang hướng đến: Một là, không gây thất vọng cho người hâm mộ; hai là, đưa tác phẩm đến với những người chưa từng biết đến ONE PIECE và khiến họ yêu mến loạt phim này.
Thân ái,
Netflix.
“Hãy cùng làm nên điều tuyệt vời nhé.”
Nguồn ảnh: Netflix
Với sự tôn trọng hết mực dành cho tác giả cũng như “đứa con tinh thần” của anh, Maeda cho biết: “Việc thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với một tác phẩm huyền thoại cũng luôn là nhiệm vụ vô cùng khó khăn”. Thế nhưng, “điều gì đến cũng sẽ đến”, một số thay đổi vẫn cần phải thực hiện để thành phẩm ra mắt được logic và chất lượng hơn.
“Khi vẽ manga, Oda-san không có khái niệm về thời gian cho một mùa phim truyền hình dài 8 tập, mà anh ấy viết theo dòng thời gian của mình và cấu trúc riêng dựa trên cốt truyện của từng nhân vật,” Maeda nói, “Anh ấy đã gửi cho tôi 100 chương truyện đầu tiên của bộ manga One Piece — và tất nhiên, tôi sẽ không tiết lộ trước điều gì đâu. Tôi chỉ muốn nói là bản live-action của One Piece đã phải cố gắng chắt lọc và gói gọn 100 chương thành tám tập phim truyền hình với những thăng trầm cần thiết và cốt truyện theo sát nguyên tác như mong muốn của người xem.”
Số người ủng hộ ban đầu có thể theo dõi thông qua các nền tảng mạng xã hội, nhưng lượng người xem chính thức sẽ không được tiết lộ cho đến khi Top 10 Netflix ra mắt vào mỗi thứ Ba. Friedlander hy vọng One Piece sẽ tạo ra cú đột phá và tiếp tục có thêm phần mới, “Oda-san đã tạo ra những câu chuyện, cuộc phiêu lưu và các nhân vật mà tôi mong muốn được tận mắt chiêm ngưỡng trong bản One Piece live-action.” Friedlander không thể hứa hẹn bất kỳ điều gì về sự xuất hiện của One Piece mùa 2 và cũng biết người xem Netflix sẽ lo ngại về việc phim bị hủy sớm như trường hợp của Cowboy Bebop, do đó, anh chỉ nói về thành tích gần đây của Netflix trong việc đổi mới các chương trình nhằm đáp ứng sự mong đợi của người hâm mộ.
Nguồn ảnh: Netflix
“Không phải lúc nào bạn cũng làm đúng,” Friedlander nói, “Bạn chỉ có thể hy vọng nó đúng khi đã thực hiện hết mình với niềm đam mê sáng tạo và khả năng kể chuyện xuất sắc. Mục đích tôi ở đây là để hỗ trợ những người kể chuyện cũng như cách họ diễn giải, chuyển thể và trải nghiệm một tác phẩm sở hữu bản quyền trí tuệ (IP). Chúng tôi đã có một loạt tác phẩm chuyển thể khá ấn tượng, với The Sandman và Wednesday lần lượt phát hành vào tháng 8 và tháng 11 năm ngoái. Tôi nghĩ chúng tôi có thể chuyển thể một số IP thành những tác phẩm xuất sắc và đầy bất ngờ, nhưng đồng thời vẫn tôn trọng bản sắc ban đầu của chúng.”
Về kế hoạch của Owens và Maeda cho One Piece mùa 2, Maeda nói rằng họ “đang trên đà xem xét từng bước một,” vì tài liệu One Piece trong nhiều thập kỷ mà Oda-san cung cấp cho họ mang đến rất nhiều tiềm năng chuyển thể và có lẽ cần được điều chỉnh đôi chút để phù hợp với series phim hơn.
Nguồn ảnh: All City Canvas
Hiện tại, trọng tâm của One Piece mùa 1 là đưa con tàu chạm đến Biển Đông.
“Cùng với sự giám sát, hợp tác và hỗ trợ của Oda-san, tôi nghĩ rằng chúng tôi đã tạo ra một phiên bản tốt nhất có thể của chương trình tuyệt vời này,” Maeda chia sẻ, “Tôi không thể ngụy biện bằng bất kỳ lý do nào về chuyện kinh phí eo hẹp hay bị hạn chế sáng tạo gì gì đó, vì chúng tôi thật sự đã được thực hiện chương trình theo cách mà mình mong muốn rồi.”
Bài viết này được mở rộng dựa trên bản in của tạp chí Variety số ngày 23/8. Các trích dẫn của người đồng điều hành chương trình Steven Maeda đều được lấy từ cuộc phỏng vấn được liên hệ trực tiếp với nhà báo của Maeda, không phải thông qua Netflix, theo quy định đình công của WGA.
Nguồn: Variety, Sportskeeda
Tâm Cửu