Gặp gỡ Nguyễn Trung Kiên – MAACster trẻ đạt giải Nhì Vietnam VFX Challenge
Vượt qua nhiều đối thủ mạnh, Nguyễn Trung Kiên đã xuất sắc dành được giải Nhì cuộc thi Vietnam VFX Challenge. Vậy Nguyễn Trung Kiên là ai? Kỹ năng VFX như thế nào? Yếu tố nào tạo nên thành công tại cuộc thi?… Tất cả đều được hé lộ ở bài viết dưới đây!
Nguyễn Trung Kiên là một trong những học viên tiêu biểu của Học viện MAAC. Vừa học tại MAAC và vừa làm việc tại Studio, Kiên từng bước tạo ra được một số thành tựu nhất định bằng đam mê và sự nghiêm túc của mình. Trong quá trình phát triển nghề Kỹ xảo, Nguyễn Trung Kiên vinh dự tham gia sản xuất hậu kỳ cho nhiều dự án nổi bật, một trong số đó không thể không kể đến Squid Game – Tựa phim sinh tồn ăn khách nhất của Netflix tại nửa sau năm 2021.
Bài viết này chúng ta hãy cùng lắng nghe những chia sẻ thú vị của Nguyễn Trung Kiên khi giành được giải Nhì cuộc thi Vietnam VFX Challenge nhé!
NGUYỄN TRUNG KIÊN – MỘT GRAPHIC DESIGNER CHUYỂN HƯỚNG SANG VFX ARTIST
Đầu tiên, xin chúc mừng bạn đã về đích cuộc thi Vietnam VFX Challenge và xuất sắc nhận được giải Nhì chung cuộc. Bạn hãy giới thiệu đôi nét về bản thân cho mọi người cùng biết đến nhé.
Xin chào mọi người, mình là Nguyễn Trung Kiên, năm nay mình 22 tuổi. Mình hiện đang là Học viên ngành Kỹ xảo điện ảnh tại Học viện MAAC. Đồng thời, mình còn là Artist tại Zodiac II Studio.
Khác với một số bạn gia nhập ngành từ khi tốt nghiệp THPT, mình trước đây đã từng tham gia khóa học Graphic Design, mãi đến năm 2020 mới tìm được “bến đỗ” VFX và theo đuổi đến hiện nay.
Cả Graphic Design và VFX đều là ngành học thiên về tính sáng tạo, vậy lý do vì sao bạn quyết định rẽ ngành sang hẳn VFX?
Graphic Design và VFX có sự khác biệt vô cùng lớn. Lúc học và làm Graphic Design, mình cảm thấy ngành học này chưa đủ sự hứng thú. Mình mong muốn được tạo ra những sản phẩm Truyền thông nghe nhìn hơn là những tác phẩm 2D. Chính vì vậy, thời điểm cảm thấy Graphic Design không phù hợp, mình không chần chừ mà tìm hiểu thêm một số ngành khác, trong đó ấn tượng nhất với Kỹ xảo. Vậy là từ đó mình bắt đầu tìm hiểu sâu về kỹ xảo là gì, cách làm hiệu ứng như thế nào, kỹ thuật ra sao,… Sau một thời gian “mày mò” cuối cùng mình quyết định rẽ hướng theo đuổi ngành.
Chuyển hướng đột ngột sang ngành Kỹ xảo, bạn đã có những khó khăn nào trên những bước chân đầu tiên gia nhập ngành?
Đương nhiên khởi đầu nào cũng sẽ nhiều thử thách. Thời điểm quyết định rẽ hướng đi chuyên sâu VFX mình cũng gặp phải nhiều khó khăn, phần lớn là rào cản về gia đình. Phụ huynh nào thì cũng muốn con mình có được một cuộc sống ổn định và bình an, không thích sự dịch chuyển liên tục. Gia đình mình cũng thế, bố mẹ vẫn luôn mong muốn lựa chọn ngành nào phải theo đuổi đến cùng, hơn nữa VFX lại là một ngành học khá mới mẻ, chưa tiếp cận được nhiều phụ huynh. Vì vậy mình cũng đã mất nhiều thời gian để thuyết phục gia đình cũng như để chứng minh rằng con đường mình lựa chọn là phù hợp.
Sau thời gian “cháy” với đam mê, mình cũng dần được tín nhiệm và tự bản thân tạo ra những tác phẩm tốt, được mọi người đánh giá cao. Từ đó mình mới hoàn toàn nhận được sự ủng hộ và công nhận từ gia đình.
Trở lại với Vietnam VFX Challenge, bạn biết đến cuộc thi qua đâu và vì sao bạn làm quyết định trở thành thí sinh cuộc thi?
Là học viên của MAAC, mình thường xuyên theo dõi các hoạt động ngoại khóa của trường, biết nhiều về những sự kiện được tổ chức. Khi đang học, mình nhận được thông báo từ nhóm lớp là trường sắp tổ chức một cuộc thi VFX với quy mô toàn quốc, mình đã vô cùng yêu thích và liền đăng ký tham dự.
Dù đã làm việc trong ngành nhưng trên thực tế mình vẫn là một người trẻ, muốn tồn tại và phát triển cần phải liên tục nâng cao kiến thức. Vì vậy, khi biết được Vietnam VFX Challenge sắp được tổ chức, mình biết đây là cơ hội để mình có thể cọ sát thực tế, được giao lưu và học hỏi với người trong ngành để tìm ra những điều mới mẻ của bản thân.
GIẢI THƯỞNG CỦA VIETNAM VFX CHALLENGE SẼ LÀ KỶ NIỆM ĐẸP TRÊN HÀNH TRÌNH CHINH PHỤC NGHỀ CỦA MÌNH
Tâm trạng của bạn như thế nào khi biết mình được giải Nhì cuộc thi?
Mình đã rất bất ngờ khi giành được giải Nhì chung cuộc, thiệt đó (cười). Hơn cả sự bất ngờ, đây còn là niềm vui sướng của mình khi một lần nữa có thể chứng minh được cho gia đình biết rằng mình đã và đang đi đúng hướng.
Giải thưởng này chắc chắn sẽ là một trong những kỷ niệm đẹp trên hành trình chinh phục nghề VFX của mình.
Đối với một tác phẩm kỹ xảo, để hoàn thành chỉn chu cần phải đầu tư kỹ lưỡng về cả kỹ thuật lẫn tính sáng tạo. Vậy sau tác phẩm dự thi lần này bạn có phát hiện ra kỹ năng mới nào của mình không?
Vietnam VFX Challenge là cuộc thi đề cao tính sáng tạo, tuy nhiên kỹ thuật cũng chiếm vai trò quan trọng để tạo ra được một sản phẩm chỉn chu. Nói về khả năng mới khi thực hiện tác phẩm thì có lẽ không có, tuy nhiên nhờ vào cuộc thi mình cũng đã nhận ra được khá nhiều lỗ hổng và biết cách để khắc phục nó, cụ thể là ở phần kỹ thuật.
Có thể nói đây là điều may mắn vì nhờ cuộc thi mình đã tìm ra được những điểm thiếu sót trong quá trình làm nghề, cải thiện và từ đó có thể rút kinh nghiệm khi thực hiện các dự án thực tế được Studio giao.
Tác phẩm dự thi có phải “một phát ăn ngay” không? Hay bạn đã nghiên cứu và làm đi làm lại nhiều lần để tạo ra một sản phẩm chỉn chu nhất?
Tác phẩm dự thi chính là bản “final-n” mà mình đã thực hiện. Nghĩa là để ra được một sản phẩm hoàn chỉnh, mình đã phải làm ra rất nhiều phiên bản trước đó.
Khi làm xong phiên bản đầu tiên, mình cảm thấy như vậy cũng đã “ổn áp”. Tuy nhiên khi được bạn bè và đồng nghiệp nhận xét, mình nhìn lại thì cảm thấy không còn “ổn áp” nữa (cười). Vì vậy mình quyết tâm “đập đi xây lại” một vài lần để sản phẩm trở nên tốt hơn. Cuối cùng cũng tạo ra được một phiên bản ưng ý.
Tác phẩm dự thi Vietnam VFX Challenge | Nguyễn Trung Kiên
Sản phẩm lần này có điểm nào khiến bạn tâm đắc và điểm nào khiến bạn tiếc nuối nhất không? Vì sao?
Tâm đắc nhất có lẽ là sản phẩm của mình dường như không “đụng hàng” với bất kỳ ai, có màu sắc riêng và nó đại diện cho phong cách làm nghề của mình.
Điểm tiếc nuối chính là mình vẫn chưa thật sự hài lòng 100% về tác phẩm dự thi, đặc biệt là về phần màu sắc. Vì thời gian có giới hạn, từ khi lên ý tưởng, thực hiện sản phẩm và chỉnh sửa vỏn vẹn chưa đến 1 tuần nên cũng không thể thay đổi được cho hoàn hảo. Nếu có thời gian nhiều hơn, mình chắc chắn sẽ làm tốt hơn. Nhưng không sao, đây sẽ là kinh nghiệm để mình cố gắng hơn cho những cuộc thi tiếp theo.
NHỮNG SÂN CHƠI KỸ XẢO NHƯ VIETNAM VFX CHALLENGE SẼ THÚC ĐẨY NGÀNH NGÀY CÀNG TĂNG TRƯỞNG MẠNH MẼ
Theo dõi xuyên suốt cuộc thi, bạn cảm nhận như thế nào về tổng thể chất lượng bài thi của Vietnam VFX Challenge mùa giải năm nay?
Tổng thể thí sinh tham gia đều có kỹ năng rất tốt, đặc biệt là các tác phẩm nằm trong top 30. Bên cạnh đó, mình vô cùng ấn tượng với tác phẩm của một bác 64 tuổi. Dù lớn tuổi nhưng chú rất yêu thích VFX, tham gia cuộc thi và hoàn thành trọn vẹn tác phẩm của mình. Điều này khiến mình cảm thấy trân quý ngành nghề mà mình đang theo đuổi.
Vietnam VFX Challenge là sân chơi dành cho tất cả những ai yêu thích Kỹ xảo điện ảnh, kể cả những người chuyên và không chuyên. Theo bạn, cuộc thi này mang ý nghĩa như thế nào đối với việc thúc đẩy sự phát triển của ngành tại Việt Nam?
Với mình, Vietnam VFX Challenge đã mở ra một cơ hội mới cho những bạn trẻ yêu thích VFX được cọ sát với ngành và phát triển bản thân. Thậm chí, cuộc thi còn là bước đệm để những bạn trẻ còn tự ti, chưa dám gia nhập ngành có thêm nguồn thông tin chính thống để hiểu rõ ngành và đưa ra sự lựa chọn phù hợp cho bản thân.
Tại Gala trao giải, mình thấy có sự tham dự của nhiều đối tượng từ các thí sinh trẻ tuổi, thí sinh U60 cho đến các anh chị Artist đã thực hiện qua nhiều dự án lớn,… mình thật sự ấn tượng và cảm thấy Vietnam VFX Challenge là một sân chơi cho phép mọi “con dân” Kỹ xảo được thỏa thích thể hiện đam mê và gặp gỡ với những đồng đội cùng chí hướng.
Mình tin chắc rằng những cuộc thi như Vietnam VFX Challenge sẽ dần giúp tất cả những người có mong muốn gia nhập ngành Kỹ xảo tự tin hơn khi lựa chọn theo đuổi ngành, góp phần giúp thị trường hậu kỳ Việt Nam ngày càng tăng trưởng vượt trội.
VFX LÀ LĨNH VỰC ĐÒI HỎI MỖI ARTIST ĐỀU PHẢI NẮM VỮNG KIẾN THỨC CHUYÊN MÔN LẪN CÁC KỸ NĂNG MỀM CẦN THIẾT
Theo chia sẻ, bạn vừa là Artist tại các Studio và cũng đang theo đuổi việc học tại MAAC. Hãy chia sẻ lý do vì sao bạn vẫn lựa chọn học chuyên sâu ngành Kỹ xảo đến cùng trong khi mình đã có được những kiến thức và kỹ năng để phát triển tốt trong ngành.
Dù là một Artist đã được đảm nhiệm một số dự án lớn, nhưng trên thực tế mình vẫn còn là một nhân tố trẻ đang theo học chuyên sâu về ngành.
Quá trình làm việc tại Studio, ngoài kiến thức còn giúp mình rèn luyện được nhiều kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm thực chiến. Tuy nhiên, công việc được giao tại Studio hầu hết chỉ xoay quanh một công đoạn cụ thể. Chính vì vậy, mình lựa chọn theo đuổi việc học ngành VFX tại MAAC đến cùng vì học ở trường mình được đào tạo mọi vị trí, tất cả các công đoạn của một pipeline VFX.
Bên cạnh đó, việc đi học ở trường còn giúp mình có cơ hội được giao lưu và mở rộng mối quan hệ với bạn bè, thầy cô, hỗ trợ nhau trong quá trình làm việc. Đây là những điều mà không thể nào có được nếu chỉ làm việc chuyên sâu ở Studio chứ không đi học.
Là một Artist trẻ vừa được “va chạm” thực tế tại Studio và vừa được đào tạo chuyên sâu tại trường học, theo bạn đâu là điểm khác biệt lớn nhất giữa việc tự học và học ở trường trong lĩnh vực VFX?
Tự học ở nhà bạn có thể linh động thời gian cũng như tiết kiệm được chi phí. Với nguồn thông tin “đầy rẫy” trên mạng, những ai tự học ngành hậu kỳ hoàn toàn có thể tự nghiên cứu tại nhà. Tuy nhiên, mình nghĩ thời gian để có thể làm được một phân đoạn VFX sẽ lâu hơn nhiều so với những người được đào tạo bài bản.
Ngoài ra, VFX là ngành nghề đòi hỏi bạn phải nắm vững kiến thức, mà kiến thức trên mạng lại nhiều và nguồn thông tin cũng đa dạng, bạn cần phải chọn lọc để học cho đúng. Bởi nếu sai kiến thức chuyên ngành sẽ ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng khi thực hành và cũng ảnh hưởng đến các công đoạn tiếp theo. Chưa dừng lại ở đó, thu nạp kiến thức sai sẽ khiến tư duy của bạn quen dần và sẽ rất khó để khắc phục trong tương lai.
Còn được đào tạo ở trường sẽ giúp bạn hệ thống được kiến thức một cách chuẩn xác nhất, được học từ các thầy cô nhiều kinh nghiệm thực tế, giúp bạn tìm ra được lộ trình học tập phù hợp nhất với mình.
Đó chính là sự khác biệt giữa việc tự học tại nhà và đi học VFX.
Bạn sẽ khuyên những người đang phân vân giữa việc học ở trường và tự học như thế nào nếu được hỏi đến?
Mình nghĩ rằng nếu có điều kiện thì nên theo học các trung tâm đào tạo bài bản về ngành. Điều này sẽ mang lại cho các bạn không chỉ là kiến thức mà còn là cơ hội. Học ở trường sẽ giúp bạn xây dựng nên các mối quan hệ tốt đẹp, tạo ra cơ hội để có thể làm việc với những studio lớn và các dự án tầm cỡ.
Tự học và đi học đều sẽ có những ưu điểm và nhược điểm riêng, tùy vào hoàn cảnh của từng người để lựa chọn phương án tốt nhất cho mình.
CUỘC ĐỜI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH ĐỂ TRẢI NGHIỆM, HÃY MẠNH DẠN THEO ĐUỔI ĐAM MÊ CỦA MÌNH!
Nếu được gửi lời khuyên đến những bạn trẻ yêu thích kỹ xảo nhưng vì một số lý do nào đó nên chưa dám thể hiện năng lực bản thân, bạn sẽ dành lời khuyên gì?
Mình nghĩ đã thích thì các bạn cứ thoải mái mà thực hiện. Nếu đam mê với VFX mà không dám thử sức mình thì sau này nhìn lại chắc chắn các bạn sẽ cảm thấy hối tiếc vì sự “rụt rè” của mình ngay lúc này.
Ta chỉ sống một cuộc đời và cuộc đời là một hành trình để trải nghiệm. Không phải ai cũng có thể nhận ra được đam mê thật sự của mình. Nên nếu cảm thấy yêu thích VFX, các bạn nên từng bước theo đuổi ngành và một ngày nào đó bạn sẽ nhận được những điều xứng đáng vì sự nỗ lực của mình.
Cuối cùng, hãy chia sẻ một chút về những dự định của bạn trong tương lai.
Từ lúc lựa chọn theo đuổi VFX, mình đã biết chặng hành trình sau này của mình sẽ luôn gắn bó với lĩnh vực này. Mục tiêu tiếp theo của mình chính là nâng cao năng lực chuyên môn, học thêm nhiều kiến thức mới. Không chỉ về kỹ thuật, mình sẽ cố gắng trau dồi kiến thức về màu sắc, ánh sáng để nâng cao mặt Mỹ thuật, tìm kiếm cơ hội để phát triển nhiều hơn nữa. (cười)
Cảm ơn Nguyễn Trung Kiên đã dành thời gian trả lời phỏng vấn. Hãy luôn giữ ngọn lửa đam mê, chúc bạn sớm gặt hái được những thành tựu trong hành trình chinh phục nghề của mình.