vietnamvfx-animation.vn là hub truyền thông chính thức của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất và bổ ích về ngành VFX-Animation.

<We_can_help/>

What are you looking for?

>Tin tức về ngành >Phong cách hoạt hình qua các năm: Từ cổ điển đến hiện đại
thumbnail-phong-cach-hoat-hinh

Phong cách hoạt hình qua các năm: Từ cổ điển đến hiện đại

Tìm hiểu lịch sử hoạt hình cũng là một cách trân trọng những giá trị mà hoạt hình mang lại. Với những tiến bộ trong công nghệ, hoạt hình liên tục được biến tấu và xuất hiện ngày một mãn nhãn, độc đáo và ý nghĩa hơn. 

Hoạt hình đã đi một chặng đường dài kể từ những ngày đầu xuất hiện. Qua nhiều thập kỷ, sự sáng tạo của con người đã cho ra đời hàng loạt phong cách và kỹ thuật khác nhau, khiến cho ngành công nghiệp hoạt hình không chỉ được đánh giá cao về mặt nghệ thuật, mà còn chiếm cảm tình người xem và gắn bó bền chặt với cuộc sống thường ngày.

Bài viết thú vị này sẽ đưa bạn vào cuộc hành trình của loạt phong cách hoạt hình đáng nhớ nhất từ phương pháp vẽ tay truyền thống đến kỷ nguyên kỹ thuật số hiện đại. Hãy cùng khám phá xem hoạt hình đã phát triển và biến đổi ngành công nghiệp giải trí bằng phương thức nào nhé.

Đọc thêm: 6 loại hoạt hình có thể bạn đã biết

1-phong-cach-hoat-hinh

Nguồn ảnh: Cyber-Fox

Phong cách hoạt hình thuở ban sơ 

Lịch sử hoạt hình bắt đầu từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 khi những người tiên phong như Émile Cohl và Winsor McCay thử nghiệm các kỹ thuật stop-motion và vẽ tay truyền thống. Kể từ đó, những phong cách này đã đặt nền móng cho hàng loạt lối kể chuyện đáng chú ý khác của thế giới hoạt hình ngày sau.

Phenakistoscope và Zoetrope: Những thiết bị hoạt hình đầu tiên

Trước khi có phim, các thiết bị tạo “hình ảnh nhảy múa” đầu tiên như phenakistoscope và zoetrope đã thu hút khán giả bằng những hình ảnh đơn giản nhưng đầy mê hoặc. Các thiết bị này đã sử dụng một loạt hình ảnh trên đĩa quay hoặc trống để tạo ảo giác về sự chuyển động không ngừng.

2-phong-cach-hoat-hinh

Nguồn ảnh: Business of Animation

Thaumatrope và Flipbook: Sự cải tiến của hoạt hình 

Một số cải tiến về cách tạo hoạt hình từ những ngày đầu tiên bao gồm thaumatrope – một thiết bị đơn giản tạo ra ảo ảnh chuyển động bằng cách quay nhanh hai hình ảnh trên một sợi dây. Còn flipbook sử dụng một loạt hình vẽ thể hiện những hành động liền mạch khi trang giấy được lật nhanh.

Hoạt hình Thaumatrope: 

Kỷ nguyên Phim Câm: Nắm bắt nghệ thuật hoạt hình

Kỷ nguyên phim câm (1894 – 1929) chứng kiến sự ra đời của nhiều phong cách và kỹ thuật hoạt hình. Các nhà làm phim hoạt hình trong thời gian này đã thử nghiệm nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm Cutout Animation (tạm dịch: hoạt hình cắt-ghép giấy), Silhouette Animation (hoạt hình bóng đen) và Hand-drawn Animation (hoạt hình vẽ tay).

Cutout Animation

Với cơ chế tương tự kỹ thuật Stop-motion, Cutout Animation (hay hoạt hình cắt-ghép giấy) liên quan đến việc tạo các nhân vật và đồ vật từ giấy hoặc các vật liệu khác tương đương rồi sau đó chụp chúng theo trình tự để tạo ảo giác về sự chuyển động. Những nhà làm phim hoạt hình đầu tiên như Lotte Reiniger và Władysław Starewicz đã sử dụng kỹ thuật này để tạo ra những bộ phim ấn tượng về mặt hình ảnh.

Silhouette Animation

Silhouette Animation (hay hoạt hình bóng đen) được phổ biến bởi nhà làm phim hoạt hình người Đức tên Lotte Reiniger. Đây là một dạng Cutout Animation nhưng sử dụng bóng đen để tạo nhân vật và phong cảnh. Phong cách này tạo ra những hiệu ứng hình ảnh vô cùng độc đáo và ấn tượng mà bạn có thể đã thấy trong bộ phim năm 1926 của Reiniger – The Adventures of Prince Achmed.

Kỷ nguyên vàng: Disney, Fleischer và sự ra đời của các nhân vật mang tính biểu tượng

Khi hoạt hình ngày càng phổ biến, những năm 1930 và 1940 đã được chiêm ngưỡng ​​Thời đại hoàng kim của thế giới hoạt hình. Trong thời gian này, những hãng phim như Disney và Fleischer đã giới thiệu đến khán giả một số nhân vật đáng chú ý như chuột Mickey, Betty Boop và Popeye. Theo đó, phong cách hoạt hình chủ đạo được sử dụng trong thời gian này là Cel Animation, bao gồm các nhân vật được vẽ thủ công trên những tấm vật liệu trong suốt gọi là cel. Sau đó, chúng được chụp liên tục để tạo thành các bộ phim hoạt hình ngắn.

Snow White and the Seven Dwarfs của Disney: Một thành tựu mang tính bước ngoặt

Năm 1937, Disney phát hành Snow White and the Seven Dwarfs, bộ phim hoạt hình dài gần 90 phút đầu tiên trên thế giới. Thành tựu đáng kinh ngạc này đã thể hiện tiềm năng của hoạt hình cel và tạo tiền đề cho các tác phẩm hoạt hình kinh điển trong tương lai như Cinderella (1950) và The Lion King (1994).

Fleischer Studios: Đẩy lùi ranh giới hoạt hình

Fleischer Studios, được biết đến với những nhân vật như Betty Boop và Popeye, cũng có những đóng góp đáng kể cho kho tàng hoạt hình trong Thời đại hoàng kim. Hãng phim đã thử nghiệm các kỹ thuật như rotoscoping, liên quan đến việc theo dõi từng cảnh quay do người thật đóng để tạo ra các chuyển động chân thực của nhân vật hoạt hình.

3-phong-cach-hoat-hinh

Nhân vật Betty Boop qua từng giai đoạn. Nguồn ảnh: ELLE

Phong trào UPA: Một cách tiếp cận mới đối với ngành công nghiệp hoạt hình

Vào cuối những năm 1940 và 50, United Productions of America (UPA) nổi lên như một thế lực đáng gờm trong ngành công nghiệp hoạt hình. Đặc trưng bởi chủ nghĩa tối giản và trừu tượng, cách tiếp cận của hãng phim mang tính đổi mới và sáng tạo nhiều hơn, từ đó khiến nó trở nên khác biệt so với phong cách chân thực của những “người đi trước” là Disney và Fleischer.

Mr. Magoo và Gerald McBoing-Boing của UPA: Những nhân vật độc đáo

UPA đã mang đến những nhân vật mang tính biểu tượng như Mr. Magoo (1949) và Gerald McBoing-Boing (1950). Với phong cách hình ảnh đặc biệt và phương pháp kể chuyện độc đáo, các tác phẩm này đã đánh dấu sự khác biệt rạch ròi so với phong cách hoạt hình vào những năm trước đó.

4-phong-cach-hoat-hinh

Hoạt hình Mr. Magoo (1949). Nguồn ảnh: Deseret News

Limited Animation: Một giải pháp thay thế hiệu quả về chi phí

UPA thường sử dụng một cách tiếp cận hoạt hình được gọi là Limited Animation (hay Hoạt hình hạn chế) để sử dụng ít khung hình hơn và thiết kế nhân vật đơn giản hơn. Phương pháp này hoạt động hiệu quả với chi phí thấp và không tốn nhiều công sức như khi thực hiện Cel Animation. Với những lợi ích mang lại, thật không bất ngờ khi Limited Animation đã ảnh hưởng đáng kể lên kỷ nguyên  hoạt hình truyền hình về sau. 

Kỷ nguyên truyền hình: Hanna-Barbera và sự trỗi dậy của Limited Animation

Những năm 1950-60 đã chứng kiến sự “nảy mầm” của truyền hình, khiến các xưởng phim “đổ xô” tìm đến những phong cách hoạt hình với ngân sách thấp hơn. Theo đó, Hanna-Barbera, studio tạo ra The Flintstones (1960) và Scooby-Doo (1969), đã tiên phong trong việc sử dụng kỹ thuật Limited Animation. Như đã giải thích, chính vì phong cách này cần đến ít khung hình và tái sử dụng được phần hậu cảnh, do đó nó có thể tiết kiệm chi phí mà vẫn giữ được nhiệt của khán giả dành cho các bộ phim hoạt hình.

5-phong-cach-hoat-hinh

The Flintstones (1960). Nguồn ảnh: Variety

Sự ra đời của “phim hoạt hình buổi sáng thứ Bảy”

Thời đại này cũng đánh dấu sự khởi đầu của phim hoạt hình buổi sáng thứ Bảy – một truyền thống đáng yêu khi các xưởng phim mang hoạt hình đến mọi gia đình trên khắp nước Mỹ vào buổi sáng ngày cuối tuần. Sự phổ biến của những chương trình này đã ngày càng củng cố tiềm năng của hoạt hình trong nền văn hóa hiện đại.

Ảnh hưởng của UPA đối với hoạt hình truyền hình

Phong cách hoạt hình giới hạn được phổ biến bởi UPA trong Thời đại hoàng kim đóng vai trò quan trọng trong việc định hình sự phát triển của hoạt hình truyền hình lúc bấy giờ. Các hãng phim như Hanna-Barbera và Filmation đều đã áp dụng các kỹ thuật tương tự để cho ra những chương trình hoạt hình đáng nhớ đến với khán giả truyền hình.

Cuộc cách mạng Anime: Phong cách hoạt hình Nhật Bản qua các năm

Hoạt hình Nhật Bản, hay anime, đã có tác động đáng kể đến ngành hoạt hình thế giới trong hàng chục năm qua. Với phong cách nghệ thuật và lối kể chuyện không lẫn vào đâu, anime đã sớm trở thành một hiện tượng toàn cầu. Từ những tác phẩm kinh điển như Astro Boy (1963) và Speed Racer (1967) cho đến hàng loạt cái tên ăn khách ở thời điểm hiện đại như Spirited Away (2001), Naruto (2002) và Attack on Titan (2013),… anime đã định hình ngành công nghiệp hoạt hình bằng vô số cách.

Đọc thêm: Shinkai Makoto: ‘Tung hoành tứ phương’ với hoạt hình truyền thống và tầm nhìn về câu chuyện nguyên bản

6-phong-cach-hoat-hinh

Nguồn ảnh: GameK

Nguồn gốc của anime: Osamu Tezuka và tác phẩm Astro Boy

Được trân trọng gọi bằng cái tên “Vị thần Manga” và “Cha đẻ của Anime”, Osamu Tezuka không chỉ tiên phong trong việc tạo ra hoạt hình Nhật Bản mà còn đóng vai trò quan trọng khi định hình phong cách nghệ thuật của loại hình hoạt hình này. Tác phẩm của ông, Astro Boy, là bộ phim truyền hình anime nổi tiếng đầu tiên và đặt nền móng cho sự tỏa sáng của ngành công nghiệp anime trong tương lai.

Studio Ghibli: Bậc thầy hoạt hình Nhật Bản

Được thành lập bởi Hayao Miyazaki và Isao Takahata, Studio Ghibli đã sản xuất không ít bộ phim hoạt hình được giới phê bình đánh giá cao và sở hữu lượng người hâm mộ hùng hậu qua mọi thời đại. Các tác phẩm kinh điển của Studio Ghibli có thể kể đến như My Neighbor Totoro (1988), Princess Mononoke (1997), Spirited Away (2001) và Howl’s Moving Castle (2004). Nhờ những thước phim tuyệt đẹp và cách kể chuyện đầy lôi cuốn, phim của Studio Ghibli đã mang đến sức ảnh hưởng đáng gờm cho phong cách hoạt hình thế giới trong nhiều thập kỷ qua.

7-phong-cach-hoat-hinh

Hoạt hình Howl’s Moving Castle (2004). Nguồn ảnh: Japan Web Magazine

Sự bùng nổ của CGI: Pixar và cuộc cách mạng hoạt hình kỹ thuật số

Những năm 1990 đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong phong cách hoạt hình, đó là sự ra đời của hình ảnh do máy tính tạo ra, hay còn gọi là CGI. Được phát hành vào năm 1995, Toy Story của Pixar là bộ phim hoạt hình thời lượng dài đầu tiên được tạo ra hoàn toàn bằng công nghệ CGI. Tác phẩm đột phá này đã cách mạng hóa ngành công nghiệp và mở đường cho vô số bộ phim hoạt hình và chương trình truyền hình kỹ thuật số phát triển vượt bậc trong tương lai.

Sự phát triển của CGI: Shrek, Avatar và hơn thế nữa

Sau thành công của Toy Story, CGI tiếp tục “bành trướng” với những bộ phim nổi tiếng như Shrek (2001), The Incredibles (2004) và Avatar (2009). Những tác phẩm này đã vượt qua ranh giới của hoạt hình kỹ thuật số. Ngày nay, CGI đã trở thành một công cụ thiết yếu đối với các nhà làm phim hoạt hình, bởi nó cho phép họ tạo ra các nhân vật và môi trường sống động như thật, từ đó thu hút ngày càng nhiều người xem.

8-phong-cach-hoat-hinh

Hoạt hình The Incredibles (2004). Nguồn ảnh: Disney Movies

Hoạt hình Stop-Motion: Kỹ thuật vượt thời gian

Bất chấp sự phát triển của hoạt hình kỹ thuật số, stop-motion vẫn là một phong cách hoạt hình phổ biến và trường tồn bền vững xuyên suốt thời gian qua. Từ những tác phẩm đầu tiên của Ray Harryhausen đến các kiệt tác hiện đại như Coraline (2009) và Kubo and the Two Strings (2016), hoạt hình stop-motion tiếp tục gây thương nhớ bằng loạt hình ảnh chạm đến cảm xúc và chứa đầy sự phức tạp đến với người xem.

Claymation: Một dạng stop-motion độc đáo

Một hình thức cụ thể của hoạt hình stop-motion đã trở nên phổ biến được gọi là Claymation (Hoạt hình đất sét). Kỹ thuật này sử dụng các mô hình đất sét hoặc chất dẻo plasticine được chế tác theo từng khung hình nhằm tạo ra một diện mạo khác biệt và bắt mắt. Chicken Run (2000), Wallace & Gromit (2005) và Shaun the Sheep (2007) là những ví dụ tiêu biểu cho dạng hoạt hình độc đáo này.

9-phong-cach-hoat-hinh

Hoạt hình Shaun the Sheep (2007). Nguồn ảnh: National Science and Media Museum blog

Independent Animation: Nền tảng cho sự tự do sáng tạo

Sự phát triển của Internet và những tiến bộ trong công nghệ đã cho phép các nhà làm phim hoạt hình độc lập mang tác phẩm của mình đến với nhiều khán giả hơn. Những nhà làm phim hoạt hình này thường thử nghiệm nhiều phong cách và kỹ thuật hoạt hình độc đáo, từ đó dẫn đến một kho tàng hoạt hình phong phú và sống động. Một số ví dụ đáng chú ý về hoạt hình độc lập (Independent Animation) bao gồm Don Hertzfeldt’s World of Tomorrow (2015) và The External World (2010) của David O’Reilly.

Web Animation: Sức mạnh của Internet

Internet cũng đã tạo ra một dạng hoạt hình “lạ nhưng không mới” được gọi là Web Animation (hay hoạt hình Web). Theo đó, Internet cho phép các nhà làm phim hoạt hình tự sáng tạo và phân phối các tác phẩm mà không cần đến bất kỳ nền tảng phát sóng truyền thống nào. Do đó, các nền tảng trực tuyến như Newgrounds và YouTube đã trở thành không gian phổ biến để các nhà làm phim hoạt hình thể hiện tài năng và tiếp cận tự do với khán giả trên toàn thế giới.

Hoạt hình THE DARK HARVEST của Animator Roastedstix

VR và AR: Biên giới tiếp theo trong ngành công nghiệp hoạt hình

Khi công nghệ tiếp tục phát triển, thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) đã nổi lên như một nền tảng mới thú vị cho thế giới hoạt hình. Loại công nghệ nhập vai này không chỉ có khả năng biến đổi cách chúng ta trải nghiệm nội dung hoạt hình mà còn làm mờ ranh giới giữa thực tế và môi trường trong phim.

VR Animation: Kể chuyện nhập vai

Hoạt hình VR cho phép người xem bước vào bối cảnh hoạt hình trọn vẹn và trải nghiệm những câu chuyện một cách đắm chìm hơn bao giờ hết. Chẳng hạn như Henry (2015), một bộ phim VR của Oculus Story Studio, và Allumette (2016), một trải nghiệm tương tác VR đặc sắc, đã cho thấy tiềm năng phát triển đáng kể của loại hình phương tiện này.

AR Animation: Đưa các nhân vật hoạt hình vào trong cuộc sống

Hoạt hình AR đưa các nhân vật và đồ vật hoạt hình vào thế giới của chúng ta, đặt chúng vào môi trường xung quanh chúng ta thông qua các thiết bị như điện thoại thông minh và kính AR. Công nghệ này đã được sử dụng trong các trò chơi di động phổ biến như Pokémon GO và có tiềm năng cách mạng hóa ngành công nghiệp hoạt hình bằng việc tích hợp nó vào trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Stylized Animation: Sự dung hòa giữa chủ nghĩa hiện thực và nghệ thuật cách điệu

Với khả năng pha trộn tuyệt đỉnh giữa vẻ đẹp 2D truyền thống và sự hiện đại của kỹ thuật 3D, Stylized Animation (Hoạt hình cách điệu) mang trong mình màu sắc của sự táo bạo nhưng không kém phần hoài niệm. Sự kết hợp giữa hai kỹ thuật cho phép nhà làm phim hoạt hình tạo ra một thế giới vừa kỳ diệu vừa chân thực, lại còn chiều lòng khán giả của cả hai thể loại là 2D và 3D. Spider-Man: Into the Spider-Verse (2018) và Arcane (2021) là những cái tên tiêu biểu cho dòng phim hoạt hình này. 

Đọc thêm: Hoạt hình cách điệu đã “tấn công” ngành công nghiệp hoạt hình như thế nào?

10-phong-cach-hoat-hinh

Nguồn ảnh: Kino & Co

Các phong cách hoạt hình ngày sau

Từ các tác phẩm vẽ tay kinh điển đến tuyệt tác kỹ thuật số tân tiến, phong cách hoạt hình trong những năm qua đã phát triển một cách rực rỡ và vượt bậc. Khi công nghệ càng phát triển, tương lai của thế giới hoạt hình sẽ càng khó dự đoán hơn. Tuy nhiên, chắc chắn rằng tinh thần đổi mới và niềm đam mê sẽ thúc đẩy các nhà làm phim hoạt hình tiếp tục mang đến nhiều phong cách đột phá và sáng tạo hơn nữa trong tương lai.

Đọc thêm: Sự trỗi dậy của phim hoạt hình ngắn trong ngành công nghiệp điện ảnh

Nguồn: Business of Animation

Tâm Cửu