The Boy and the Heron: Khi tinh túy ẩn hiện trên từng thước phim
The Boy and the Heron (tựa Việt: Thiến niên và Chim Diệc) được cho là bộ phim cuối cùng của huyền thoại Hayao Miyazaki, “cha đẻ” của loạt tác phẩm đình đám gồm Spirited Away, My Neighbor Totoro và Howl’s Moving Castle.
Tương tự Spirited Away (tựa Việt: Vùng đất linh hồn), The Boy and the Heron xoay quanh câu chuyện về một cậu bé bước vào thế giới phép thuật ma mị, nơi cậu được tiếp xúc với vô số điều kỳ lạ có mắc xích với nhau và nhờ đó trải qua một sự biến đổi mạnh mẽ về mặt tâm lý và cảm xúc. Cả hai bộ phim tuyệt vời này được đặt lên bàn cân với Alice in Wonderland (tựa Việt: Alice ở Xứ sở thần tiên) khi đều thể hiện xuất sắc câu chuyện thông qua sự logic trong từng giấc mơ của nhân vật chính.
Nguồn ảnh: Reddit
Ví The Boy and the Heron như một loại rượu hảo hạng vì không phải ai cũng có đủ kiến thức và chiều sâu để đánh giá được từng tầng vị của nó. Thoạt đầu, tác phẩm trông có vẻ đơn giản, có thể gói gọn lại bằng các từ như “phiêu lưu”, “phép thuật” và “gia đình”. Thế nhưng, khi xoáy sâu vào bản chất lại vô cùng phức tạp. Các “tầng hương” dường như được hòa quyện vào nhau và đòi hỏi người thưởng thức phải dành ra thời gian đủ dài để “ngấm” và bóc tách mọi thứ từng chút một. Có thể nói, The Boy and the Heron chứa đựng sự mơ hồ, diệu kỳ và cũng khiến con người ta cảm thấy mâu thuẫn đến không thể kiểm soát, tựa như cách rượu bắt đầu phát huy tác dụng của nó trong cơ thể người dùng.
Xem thêm: Tựa Anime gốc đầu tiên đạt No.1 phòng vé Bắc Mỹ sau gần 15 năm
Để từng bước hiểu được ý nghĩa tác phẩm, có lẽ sẽ đơn giản hơn nếu chúng ta tham khảo và tự rút ra cách nghĩ cho mình thông qua những bài phân tích cá nhân. Dưới đây là bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Sani Di Placido đến từ Forbes về “đứa con tinh thần” của Hayao Miyazaki – The Boy and the Heron.
Nguồn ảnh: The Escapist
Cảnh báo tiết lộ nội dung phim
Là tác phẩm mới nhất của Studio Ghibli, The Boy and the Heron phản ánh cuộc đời và di sản làm phim vô giá của Miyazaki Hayao. Đây là tác phẩm giúp phô bày rõ nhất một triết lý đã ảnh hưởng sâu sắc đến nghệ thuật làm phim của vị đạo diễn này, đó chính là “tầm quan trọng của việc chấp nhận cái kết”.
Phim của Miyazaki nổi tiếng là thấm đẫm cảm giác hoài niệm và mang đến sự yên bình cho người xem, thế nhưng những nhân vật chính mà ông tạo ra lại thường phải chấp nhận sự mất mát và trải qua hành trình thay đổi tâm sinh lý không thể tránh khỏi. Trong đó, sự thay đổi này luôn được miêu tả như một sức mạnh vô phương vô pháp ngăn cản và chỉ những kẻ ngốc mới cố gắng chống lại dòng chảy bất tận của thời gian.
The Boy and the Heron được cho là lời tạm biệt quá khứ để khởi đầu một chu kỳ mới, mang theo bên mình những vẻ đẹp, vết sẹo và tất cả giá trị tuyệt vời nhất của thương hiệu Studio Ghibli.
Nguồn ảnh: X
Hình ảnh Chim Diệc
Được lồng tiếng bởi Suda Masaki trong bản tiếng Nhật và Robert Pattinson trong bản tiếng Anh, Chim Diệc là một nhân vật mang lại cảm giác bí ẩn xuyên suốt bộ phim, đặc biệt, con chim này còn toát ra sự quyền uy, mạnh mẽ, không giống như những sinh vật ma thuật khác trong bộ phim này.
Con Diệc được mô tả như một nhân vật đầy mâu thuẫn, một kẻ dối trá, nhưng đồng thời là người dẫn dắt nhân vật chính đi tìm sự thật và thể hiện mình là một đồng minh trung thành. Sau khi mỏ của con Diệc bị mũi tên làm tổn thương, “ông ta” đã lộ nguyên hình là một người đàn ông nhỏ bé, nhăn nheo, mặc bộ lốt Diệc để thay đổi hình dạng thật của mình.
Nguồn ảnh: The Nerd Stash, Ghibli Wiki – Fandom
Con Diệc có thể được lấy cảm hứng từ thần thoại và truyền thuyết. Theo đó, nhiều câu chuyện dân gian trên thế giới xem da động vật như một chìa khóa giúp thay đổi diện mạo của người mặc. Nếu lớp da bị hỏng, điều đó sẽ gây cản trở đến khả năng biến hình.
Ở La Mã cổ đại, tiếng kêu của Diệc được coi là điềm báo về sự thay đổi. Ở Ai Cập cổ đại, Diệc gắn liền với sự sáng tạo và tái sinh, cũng như được cho là nguồn cảm hứng của truyền thuyết về phượng hoàng (một biểu tượng khác của sự tái sinh). Văn hóa dân gian Nhật Bản lại coi Diệc là biểu tượng của sự thần thánh, có khả năng xua đuổi tai ương và chinh phục được cả ba yếu tố: đất, nước và không khí.
Trong phim, Diệc là một sinh vật đóng vai trò thôi thúc sự hành động và có thể di chuyển liền mạch giữa các thế giới, từ đó phản ánh sự tương đồng với câu chuyện dân gian về loài chim đặc biệt này.
Nguồn ảnh: Pinterest
Cốt truyện của The Boy and the Heron
Lấy bối cảnh Thế Chiến thứ hai, câu chuyện bắt đầu trong bi kịch, khi nhân vật chính Maki Mahito đã mất mẹ sau một vụ hỏa hoạn đầy thương tâm tại bệnh viện mà bà đang làm việc.
Không có thời gian để đau buồn, cha của Mahito ngay lập tức tái hôn và có con với em gái của vợ mình là phu nhân Natsuko. Dù hiểu mình là dì của Mahito nhưng cô vẫn hy vọng cậu bé sẽ chấp nhận cô trở thành người mẹ mới của mình. Natsuko là một người dịu dàng, tốt bụng, nhưng Mahito vẫn chưa sẵn sàng để thay thế hình ảnh mẹ mình với một người phụ nữ khác.
Cậu bé dường như tự cô lập bản thân khỏi những người trong dinh thự và bị ám ảnh bởi tòa tháp bỏ hoang gần nhà. Nơi này được cho là khởi nguồn của những điều kỳ lạ và là con đường dẫn đến thế giới siêu nhiên. Có lần sau khi bị bắt nạt ở trường, Mahito đã vô cùng bức xúc và dùng một cục đá to để tự đập vào đầu mình, kết quả là cậu bất tỉnh ngay khi vừa về đến nhà và từ đó mang theo vết sẹo khá sâu ở một bên đầu.
Nguồn ảnh: The Criterion Collection
Trong quá trình hồi phục, Mahito bị một con Diệc xanh theo dõi và dụ đến gần tòa tháp bí ẩn. Nó tuyên bố rằng mẹ cậu vẫn còn sống và đang chờ cậu đến giải cứu. Sau đó, cậu chứng kiến phu nhân Natsuko, người đang mang thai nặng nề, vô thức đi vào trong khu rừng dẫn đến tòa tháp nhưng lại nhắm mắt làm ngơ và tiếp tục chuyên tâm vào việc riêng của mình.
Không kiềm được sự hiếu kỳ, Mahito nhanh chóng tìm đường đến tòa tháp. Dẫu biết con Diệc đang nói dối về mẹ mình, nhưng cậu vẫn muốn gặp lại bà, dù đó chỉ là một hy vọng nhỏ nhoi.
Sau khi bước qua cánh cổng và thách thức con Diệc, Mahito nhận ra mình bị mắc kẹt trong một thế giới ma thuật tồn tại vượt ngoài không gian và thời gian. Đó là một lãnh thổ được tạo ra bởi ông cố của cậu, hay còn gọi là Tháp Chủ, người đang nỗ lực duy trì sự cân bằng cho thế giới ma thuật và tìm kiếm hậu duệ để kế thừa vai trò của mình.
Kể từ thời điểm này, khi Mahito bắt đầu hiểu được những điều không thể giải thích, bộ phim đã dần chuyển sang mắt xích giữa những giấc mơ, với mức độ thay đổi tông màu kịch tính từ kỳ quái cho đến kinh dị.
Nguồn ảnh: Plugged In
“Thế giới bên kia” trong The Boy and the Heron
Giống như Spirited Away, thế giới bên kia của The Boy and The Heron cũng có những người bạn dễ thương và những kẻ thù bất ngờ. Mahito gặp lại phiên bản hồi nhỏ của mẹ mình dưới cái tên Himi, người đã lang thang trong tòa tháp bí ẩn khi còn nhỏ.
Là một cá thể tồn tại ngoài thời gian thực, Himi vẫn lưu giữ những ký ức về tình mẫu tử và được ban tặng phép thuật lửa, một nhân tố dường như có liên quan đến cái chết bi thảm của cô trong tương lai. Xuyên suốt cuộc phiêu lưu, Mahito hình thành sợi dây liên kết mới với mẹ mình và dần chấp nhận Natsuko trở thành mẹ kế của cậu. Còn Natsuko bị mắc kẹt trong thế giới này, nhưng dường như đây là nơi để cô thoải mái bộc lộ sự phẫn nộ kìm nén bấy lâu của mình với Mahito.
Thế giới bên kia về sau được tiết lộ là một hòn đảo, được bao quanh bởi đại dương vô tận. Nguồn gốc phép thuật của nó là từ một thiên thạch bí ẩn từ trên trời rơi xuống. Khi phát hiện ra tảng đá thần kỳ, ông cố của Mahito đã cho xây dựng một tòa tháp bao bọc bên ngoài để nắm quyền kiểm soát và nghiên cứu nó.
Nguồn ảnh: Spiel Anime
Tuy trông hùng vỹ và kỳ diệu là thế nhưng hòn đảo thực chất hệt như một nhà tù vô tận. Ông cố của Mahito tự cô lập chính mình với hiện thực và những người xung quanh, dành cả ngày để cố gắng duy trì sự cân bằng cho thế giới bằng cách xếp chồng các khối đá ma thuật được lấy từ hầm mộ và ẩn chứa nhiều ác ý.
Hòn đảo này, theo đúng nghĩa đen, được xây dựng trên nền tảng của những ngôi mộ và trên ký ức của những người đã mất. Nó dường như liên tục đứng ở bờ vực sụp đổ và ông cố của Mahito có vẻ đã đưa ra nhiều quyết định và thỏa hiệp đáng ngờ xuyên suốt thời gian trị vì của mình.
Hình ảnh Bồ nông và Vẹt đuôi dài
Mahito gặp được những linh hồn dễ thương tựa như những quả bong bóng nhỏ được gọi là “Warawara” (bọn Lổm Ngổm). Khi thời gian chín muồi, chúng sẽ bay lên bầu trời để giành được cơ hội sinh ra ở thế giới thực. Mahito rất có thiện cảm với các thực thể này, do đó, cậu đã sốc khi thấy chúng bị hàng loạt con bồ nông đua nhau nuốt chửng chỉ sau vài giây lơ lửng giữa trời đêm.
Nguồn ảnh: Ghibli Wiki – Fandom
Hiển nhiên, Mahito trở nên khó chịu với sự tồn tại của bồ nông, nhưng sau đó cậu mới biết những con bồ nông được đưa đến đây đều không phải do ý muốn của chúng và thậm chí chúng không có cách nào để thoát khỏi sự vô tận của thế giới này. Bồ nông chỉ đơn giản là làm tất cả những gì có thể để tồn tại. Nguồn thức ăn của chúng có hạn và bọn Lổm Ngổm “may mắn” là một trong số những thứ mà chúng có thể hấp thu. Thì ra ngay cả trong trí tưởng tượng, động vật cũng cần phải ăn để tiếp tục sống, đây chính là thực tế mà không một ai có thể thay đổi được.
Nguồn ảnh: Digital Spy
Những sinh vật đói khát nhất trong phim là lũ vẹt đuôi dài to lớn, vai u thịt bắp, với bộ lông nổi bật và khuôn mặt đần độn. Chúng sở hữu những nét tương đồng với một phần cộng đồng ngày nay và là biểu tượng gần gũi nhất đối với nền văn minh nhân loại.
Những con vẹt đuôi dài vừa đáng sợ vừa ngớ ngẩn. Khi Mahito lần đầu chạm trán với chúng, chúng đã giấu những con dao sắc nhọn sau lưng với ý định ăn thịt cậu nhóc này. Lũ vẹt là các sinh vật chỉ biết bắt nạt người yếu thế một cách vô tội vạ và nhiệt tình tôn thờ một tên thủ lĩnh đội vương miện với cái danh rất kêu là “Đại Vương”. Nếu những con vẹt đuôi dài được khắc họa để nhằm mục đích phản ánh bài học nhân văn thì đó nhất định sẽ là sự châm biếm về hiện tượng xu nịnh và hành động thiếu suy nghĩ của xã hội lúc bấy giờ.
Bọn vẹt đuôi dài và Vua của chúng là những kẻ đã giam giữ Natsuko, với hy vọng sử dụng đứa con chưa chào đời của cô để làm vật trao đổi với Tháp Chủ, nhằm mục đích giành quyền kiểm soát thế giới ma thuật này. Tuy nhiên, ông cố của Mahito lại muốn cậu là người kế thừa toàn bộ di sản của mình nên đã liên tục tìm cớ trì hoãn thời gian để tránh việc đàm luận với chúng.
Nguồn ảnh: Ghibli Wiki – Fandom
Đôi lời về cái kết của The Boy and the Heron
Phân cảnh cao trào nhất của bộ phim nằm ở đoạn Tháp Chủ đưa cho Mahito những khối đá ma thuật không bị vấy bẩn bởi ác ý để cậu có thể thay ông xây dựng một thế giới thuần khiết và cân bằng hơn. Về cơ bản, Mahito vẫn còn là một đứa trẻ và người ta thường ví đứa trẻ như một tờ giấy trắng. Do đó, để khiến nơi này trở thành lãnh địa của sự tự do tự tại, Tháp Chủ đã trao cho cậu bé cơ hội để tạo ra một thế giới giả tưởng hoàn hảo, nơi mọi cư dân và sinh vật sẽ không còn bị vướng bận bởi những ràng buộc và khổ đau.
Thế nhưng, Mahito lại từ chối và rồi chỉ vào vết thương do mình tự gây ra trên đầu. Cậu bé hiểu rằng hành động của mình là ác ý và dù cho những khối đá kia hoàn toàn vô hại thì liệu khi chúng nằm trong tay cậu, chúng có còn giữ được sự thuần khiết ban đầu không? Mặt khác, Mahito cũng sớm nhận ra đau khổ là điều cần thiết cho cuộc sống, do đó, cậu nhẹ nhàng bác bỏ những ý niệm hoa mỹ của ông về một thế giới hoàn hảo tuyệt đối, thứ vốn dĩ không bao giờ tồn tại dù trong bất kỳ không gian nào.
Nguồn ảnh: Empire
Lúc này, Vua vẹt đuôi dài đã lén lút đi theo Mahito đến chỗ Tháp Chủ. Sau khi nghe vận mệnh của thế giới chỉ gói gọn trong chỗ đá nhỏ bé này, hắn đã tức tối lao đến để thể hiện thái độ khinh khi rồi tự tiện xếp tất cả các khối một cách vội vàng, vô tổ chức. Thế là vào khoảnh khắc các khối đá sụp đổ, hắn liền dùng kiếm hất văng tất thảy mọi thứ trên bàn. Dường như trong tiềm thức của hắn, bạo lực là ngôn ngữ duy nhất mà hắn cho là hiệu quả để cai trị thế giới này.
Với các khối đá vỡ tan, thế giới sụp đổ và lập tức bị hút vào trong bóng tối. Mahito cố gắng thoát khỏi hòn đảo cùng với Himi, Natsuko, bà lão giúp việc Kiriko và Chim Diệc thông qua những cánh cửa dẫn về thời không của mình. Mahito đành phải chia tay mẹ ruột kể từ lúc này. Trước khi bước qua cánh cửa, cậu không quên cảnh báo Himi rằng trong tương lai, cô sẽ phải lần nữa trải qua trận hỏa hoạn tàn khốc năm nào. Tuy nhiên, trái ngược với sự lo lắng của Mahito, Himi chỉ cảm thấy rất vui và lấy làm tự hào khi được là mẹ của cậu. Hàng nghìn con vẹt đuổi theo họ đến thế giới thực bỗng chốc thu nhỏ lại thành những con chim bình thường, mất đi lý trí và cả sự khát máu của vài phút trước đây.
Nguồn ảnh: Press Start Australia
Hòn đảo này là một thế giới huyền ảo, nơi chứa đựng hằng hà sa số những điều kỳ diệu và không tầm thường, thế nhưng giờ đây, nó chỉ còn là mảnh ký ức nhỏ bé trong đầu của Mahito. Trước khi rời đi, Chim Diệc nói với Mahito rằng có lẽ sẽ tốt hơn nếu cậu để cho hòn đảo và tất cả những điều từng trải qua phai mờ theo năm tháng. Thật vậy, dù hiểu chuyện và trưởng thành đến đâu, Mahito vẫn chỉ là một cậu bé với những giây phút hiện tại đáng được trân trọng và tương lai xa hơn để ấp ủ từng ngày.
The Boy and the Heron xoáy sâu vào việc cái chết hay sự kết thúc đều là điều không thể tránh khỏi đối với mỗi con người, tổ chức và thậm chí là toàn bộ thế giới này. Cũng như, việc ôm giữ hay cố gắng duy trì truyền thống có thể trở thành gánh nặng đối với những thế hệ về sau. Một khi không có sự tự nguyện và không phải là người thích hợp thì dù là bất cứ ai đi nữa cũng không thể ngăn cản các giá trị tốt đẹp đang dần bị hao mòn, cứ thế mọi thứ rồi sẽ chạm đến đại kết cục của nó mà thôi.
Nguồn ảnh: Vulture
Chủ đề của tác phẩm được cho là hướng đến ý nghĩa và mục đích của cuộc sống, đặc biệt là khi phải đối mặt với chiến tranh, sự mất mát và đau thương. Thế nhưng, Hayao Miyazaki vẫn chưa có phát biểu chính thức về điểm sáng mà ông muốn thể hiện thông qua “đứa con tinh thần” của mình. Khi vị đạo diễn huyền thoại được hỏi về ý nghĩa đằng sau tựa đề tiếng Nhật của bộ phim, “Kimitachi wa Do Ikiru ka” (dịch sang tiếng Anh là “How Do You Live?”), Miyazaki đã khiến mọi người càng thêm hiếu kỳ về câu trả lời “lém lỉnh” của mình rằng:
“Tôi làm bộ phim này vì tôi không có bất kỳ đáp án nào cả.”
Qua đây, chúng ta có thể thấy Miyazaki không có ý định giải thích hay muốn người xem thưởng thức bộ phim dưới góc nhìn của mình, mà thay vào đó, ông hy vọng mọi người có thể cùng nhau tìm ra đáp án xuyên suốt cuộc hành trình theo dõi bộ phim.
Xem thêm: Quả cầu vàng 2023: Đường đua hoạt hình siêu cạnh tranh
Nguồn: Forbes
Tâm Cửu