Top 10 bom tấn đã thay đổi ngành VFX mãi mãi
Trong những năm qua, Kỹ xảo điện ảnh (VFX) đã luôn đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra những thước phim viễn tưởng mãn nhãn và những khoảnh khắc ngoạn mục trên màn ảnh.
VFX là quá trình thực hiện và xử lý các hiệu ứng hình ảnh, dựa trên sự kết hợp với các cảnh quay thật được thực hiện trên phim trường. Việc ứng dụng VFX vào các tác phẩm điện ảnh giúp đoàn làm phim tiết kiệm được một khoảng thời gian và chi phí khổng lồ, cũng như góp phần hạn chế những nguy hiểm có thể xảy ra đối với diễn viên.
Ở thế giới của những nhà kỹ xảo, VFX luôn “muôn hình vạn trạng” và phải được chia thành nhiều mảng nhỏ để có thể tạo nên một shot phim VFX chỉn chu, hoàn mỹ. Trong đó, ba kỹ thuật thường được các nhà làm phim sử dụng nhất là: CGI: Tạo ra các yếu tố hoàn toàn ảo bằng máy tính, Compositing: Kết hợp các cảnh quay thực tế với các yếu tố CGI hoặc hình ảnh khác và Motion Capture (Mocap): Ghi lại chuyển động của diễn viên hoặc vật thể để áp dụng cho các nhân vật hoặc mô hình 3D.Dưới đây là top 10 bộ phim ứng dụng hiệu ứng hình ảnh đã làm thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp VFX. Hãy cùng khám phá cách những chuyên gia lão làng của ngành đã tạo ra dấu ấn đột phá cho các tác phẩm của họ nhé.
1. Jurassic Park (1993)
Không chỉ là một bom tấn phòng vé năm 1993, Jurassic Park (Công viên kỷ Jura) còn là cột mốc lịch sử đánh dấu màn ra mắt sống động của những chú khủng long CGI trên màn ảnh. Trước đó, kỹ thuật stop motion vẫn luôn là phương pháp phổ biến để tạo hình sinh vật giả tưởng trong phim. Tuy nhiên, đạo diễn Steven Spielberg khi đó đã sớm nhận ra những hạn chế của stop motion trong việc thể hiện hình ảnh khủng long một cách hoành tráng và chân thực.
Với sự hợp tác của Industrial Light & Magic (ILM) và nhà sản xuất Hiệu ứng hình ảnh Dennis Muren, Jurassic Park đã mang đến cho khán giả những chú khủng long hoạt hình được tạo ra bằng máy tính đầu tiên trên thế giới. Kỹ thuật CGI đột phá này đã mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp điện ảnh, cho phép các nhà làm phim thỏa sức sáng tạo và đưa những thế giới tưởng tượng lên màn ảnh một cách sinh động hơn bao giờ hết.
Thành công vang dội của Jurassic Park được minh chứng bởi 3 giải Oscar, cùng 1 giải BAFTA cho Hiệu ứng đặc biệt xuất sắc nhất. Ngoài ra, bộ phim còn gặt hái tới 44 chiến thắng và 27 đề cử khác.
2. The Lord of the Rings (2001)
Loạt phim The Lord of the Rings được biết đến như bước ngoặt của nền điện ảnh với sự bùng nổ của kỹ xảo và CGI. Điển hình cho sự đột phá của kỹ thuật này là nhân vật Gollum – một sinh vật kỳ dị được tạo ra hoàn toàn bằng CGI. Từ cử chỉ, ngoại hình gầy gò, sần sùi, cho đến ánh mắt sắc bén và giọng nói khàn khàn, Gollum đều toát lên sự chân thực đến kinh ngạc. Bên cạnh đó, một số bối cảnh hùng vĩ của bộ phim cũng được tạo dựng hoàn toàn nhờ vào kỹ thuật số.
Năm 2002, The Lord of the Rings đã gây bão màn ảnh rộng với giải BAFTA cho Thành tựu xuất sắc nhất về Hiệu ứng Hình ảnh cùng 4 giải Oscar danh giá, tiêu biểu là Best Effects và Visual Effects.
3. Avatar (2009)
Ở thời điểm ra mắt, Avatar đã mở ra cuộc cách mạng trong công nghệ 3D trên màn ảnh rộng và trở thành tác phẩm tiên phong trong khả năng tạo cảm xúc cho các nhân vật CGI. Hơn thế, đạo diễn James Cameron đã liên tục đặt ra những tiêu chuẩn mới về Hiệu ứng Hình ảnh khi yêu cầu toàn bộ bối cảnh trong phim đều được vẽ tay tỉ mỉ.
Được ấp ủ từ năm 1996, dự án Avatar buộc phải “ngủ đông” hơn 1 thập kỷ cho đến khi các hãng VFX đạt đến trình độ đáp ứng yêu cầu khắt khe của James Cameron. Nhờ sự đầu tư kỹ lưỡng và nỗ lực không ngừng, Avatar đã gặt hái thành công ấn tượng với giải Oscar cho danh hiệu Best Achievement in Visual Effects, Giải thưởng BAFTA cho Phim khoa học viễn tưởng hay nhất cùng nhiều giải thưởng danh giá khác vào năm 2010.
4. Inception (2010)
Trong lĩnh vực VFX, Inception (2010) là một kiệt tác gắn liền với tên tuổi Giám sát Hiệu ứng Hình ảnh đình đám Paul Franklin. Xuyên suốt sự nghiệp, ông gặt hái hơn 15 giải thưởng và 19 đề cử cho các tác phẩm VFX của mình.
Inception mang đến vô vàn cảnh quay mang tính biểu tượng: con phố Paris hết lần này đến lần khác bị gập lại, những tòa nhà mọc lên từ hư vô, chuỗi giấc mơ lồng giấc mơ được thực hiện ngoạn mục nhờ kỹ thuật VFX. Phần hiệu ứng mãn nhãn đã truyền tại trọn vẹn được cốt truyện cuốn hút của Inception và khiến khán giả không một phút giây nào có thể rời mắt khỏi màn hình lớn.
Điểm sáng nổi bật của tác phẩm là sự liền mạch đến siêu thực trong các phân đoạn phim và hình ảnh do CGI tạo ra. Khả năng “thổi hồn” vào những giấc mơ phi thực tế cùng những phân đoạn kỹ xảo đắt giá đã đưa Inception trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ chuyên gia VFX tương lai. Bên cạnh đó, vào năm 2011, bộ phim cũng đã giành được tượng vàng Oscar cho danh hiệu Best Achievement in Visual Effects và giải BAFTA cùng hạng mục.
5. Life of Pi (2012)
Cùng với sự “ra đời” của nhân vật Richard Parker – chú hổ Bengal được tạo ra hoàn toàn bằng CGI, Life of Pi đã phá vỡ mọi ranh giới giữa kỹ xảo điện ảnh và thực tế. Trái ngược với những động vật có phần đơ cứng được tạo bởi CGI thông thường, Richard Parker có được những chuyển động, biểu cảm vô cùng chân thực, tự nhiên và mang đầy đủ đặc tính của loài hổ.
Để có thể đưa Richard Parker lên màn ảnh lớn, ekip sản xuất đã dành 3 tháng để quan sát, nghiên cứu và phân tích tỉ mỉ những chú hổ ngoài đời thực. Sau đó, họ tiếp tục dành 9 tháng miệt mài sáng tạo, chỉnh sửa, trau chuốt từng chi tiết nhỏ nhất của Richard Parker bằng CGI.
Nỗ lực không ngừng nghỉ của ekip Life of Pi đã được đền đáp xứng đáng. Richard Parker không chỉ là một chú hổ CGI đơn thuần, mà còn là một nhân vật sống động, đầy cảm xúc và đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải trọn vẹn câu chuyện. Với sự kết hợp ăn ý giữa kịch bản, diễn xuất cùng phần VFX xuất sắc, Life of Pi đã gặt hái tới 4 giải Oscar trong khi Richard Parker trở thành một trong những hình ảnh CGI ấn tượng nhất lịch sử điện ảnh.
6. Gravity (2013)
Là một bom tấn khoa học viễn tưởng, hơn 80% cảnh phim của Gravity cần đến sự trợ lực từ VFX để có thể mang đến cho khán giả trải nghiệm mãn nhãn về một vũ trụ vô tận và bí ẩn.
Trong nỗ lực tái hiện thế giới vô trọng lực khắc nghiệt này, đoàn phim đã trải qua quá trình nghiên cứu hình ảnh tỉ mỉ và kỳ công trong gần 5 năm. Ekip sản xuất đã dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng hình ảnh từ NASA, chắt lọc từng chi tiết để tạo nên hiệu ứng đồ họa sống động. Mỗi khung hình đều được trau chuốt tỉ mỉ, từ ánh sáng, bụi bặm, cho đến chuyển động của các phi hành gia, tất cả đều được mô phỏng chính xác, tạo nên hiệu ứng chân thực đến nghẹt thở.
Năm 2014, cái tên Gravity tỏa sáng với danh hiệu Best Achievement in Visual Effects tại lễ trao giải Oscar và Best Visual Effects tại lễ trao giải Quả Cầu Vàng. Chiến thắng này không chỉ khẳng định vị trí của Gravity trong top những tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất, mà còn cổ vũ cho những sáng tạo đột phá khác trong tương lai.
7. Dawn of the Planet of the Apes (2014)
Thành công về mặt hình ảnh của Dawn of the Planet of the Apes đến từ sự kết hợp mượt mà giữa công nghệ Motion-capture và phần hoạt hình vẽ tay do Weta Digital thực hiện. Đặc biệt, nhân vật Caesar, được tạo ra hoàn toàn bằng CGI, đã trở thành điểm nhấn ấn tượng cho bộ phim. Dưới bàn tay tài hoa của những chuyên gia hoạt họa, Caesar thể hiện được trí thông minh và cảm xúc một cách xuất sắc, xóa tan ranh giới giữa nhân vật do CGI tạo ra và diễn viên thực thụ.
Đạo diễn Rupert Wyatt cũng đã đưa ra quyết định táo bạo và nhân đạo khi không sử dụng tinh tinh thật trong quá trình quay phim. Thay vào đó, ông đã có lựa chọn đúng đắn khi đặt niềm tin vào VFX, từ đó mang đến cho khán giả một trải nghiệm điện ảnh độc đáo và đáng nhớ.
Với sự đầu tư kỹ lưỡng và tài năng của đội ngũ sáng tạo, Dawn of the Planet of the Apes đã gặt hái thành công vang dội trên mọi mặt. Bộ phim được đề cử cho hạng mục Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất tại lễ trao giải Quả Cầu Vàng và vinh dự nhận giải Outstanding Achievement in Character Animation in a Live Action Production tại Giải thưởng Annie năm 2015.
8. Ex Machina (2014)
Năm 2016, Ex Machina là bộ phim đã vinh dự nhận được tượng vàng Oscar cho hạng mục Hiệu ứng Hình ảnh xuất sắc nhất. Phía sau thành công này chính là những nhà sản xuất đã ứng dụng CGI một cách tài tình để có thể thổi hồn vào nhân vật Ava – một robot thông minh đầy bí ẩn.
Tất cả các cảnh quay có sự xuất hiện của Ava đều được thực hiện hai lần: một lần với Alicia Vikander (nữ diễn viên thủ vai) và một lần không có cô ấy. Sau đó, bàn tay và khuôn mặt của Alicia được ghép vào phần thân CGI, tạo nên hình ảnh Ava hoàn chỉnh và sống động trên màn ảnh. Việc CGI được ứng dụng tinh xảo đã mang đến cho Ava một cơ thể robot hoàn hảo, từ cử chỉ, chuyển động cho đến từng chi tiết nhỏ nhất. Nhờ vậy, Ava không chỉ là một nhân vật robot đơn thuần mà còn mang đến cho khán giả cảm giác chân thực như thể cô ấy là một người thật.
Ở lần tiếp theo thưởng thức tác phẩm này, đừng quên dành sự chú ý cho phần thân CGI của Ava. Chắc chắn bạn sẽ phải kinh ngạc trước sự tinh tế và tài hoa của đội ngũ sáng tạo, những người đã thổi bùng sức sống cho nhân vật Ava và mang về tượng vàng Oscar danh giá cho Ex Machina.
9. Blade Runner 2049 (2017)
Với phần hiệu ứng hình ảnh đỉnh cao, Blade Runner 2049 đã ghi lại dấu ấn sâu đậm trong lòng giới mộ điệu và nhận giải Oscar cho hạng mục Hiệu ứng Hình ảnh Xuất sắc nhất vào năm 2018. Trong suốt thời lượng 1 giờ 45 phút của tác phẩm, những thước phim mãn nhãn xuất hiện liên tục khiến người xem dường như không thể rời mắt khỏi màn ảnh.
Điểm nhấn đặc biệt của Blade Runner 2049 chính là việc sử dụng “digital doubles”. Kỹ thuật này cho phép tạo ra phiên bản nhân vật hoàn chỉnh bằng CGI dựa trên hình ảnh diễn viên đóng vai thật. Ví dụ điển hình là nhân vật Rachael, một bản sao kỹ thuật số được tạo ra từ hình ảnh của nữ diễn viên Sean Young trong bộ phim gốc Blade Runner.
Sự đột phá trong việc sử dụng “bản sao kỹ thuật số” đã thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả yêu thích VFX, các nhà sản xuất và cả những chuyên gia trong ngành. Không chỉ vậy, Blade Runner 2049 còn vinh dự dành được giải BAFTA cho hạng mục Best Achievement in Special Visual Effects, điểu minh chứng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ sản xuất.
10. The Curious Case of Benjamin Button (2018)
The Curious Case of Benjamin Button – một kiệt tác điện ảnh vang danh bởi hiệu ứng trẻ hóa nhân vật đầy ma thuật, đã đưa Brad Pitt phiêu lưu dòng thời gian từ những ngày thơ bé đến khi bạc đầu
Trong suốt 52 phút đầu tiên, Brad Pitt không hề xuất hiện trực tiếp trên màn ảnh. Thay vào đó, hình ảnh trẻ trung của ông được tạo dựng hoàn toàn bằng kỹ xảo, đánh lừa thị giác người xem một cách ngoạn mục. The Curious Case of Benjamin Button đã trở thành một trong những bộ phim tiên phong ứng dụng VFX để thay đổi ngoại hình, tuổi tác cho các diễn viên.
Thành quả của sáng tạo táo bạo này đã được ghi nhận xứng đáng khi The Curious Case of Benjamin Button nhận giải Oscar cho hạng mục Best Achievement in Visual Effects, đồng thời chinh phục giải BAFTA cho Hiệu ứng Hình ảnh Đặc biệt Xuất sắc nhất. Cùng trong năm 2009, bộ phim đã nhận tới 160 đề cử danh giá và đạt được nhiều giải thưởng lớn khác.
Nguồn tham khảo: VANAS
Phương Cá