Weta FX: Một năm rực rỡ với loạt tác phẩm lọt vào đề cử giải Oscars lần thứ 95
Một năm rực rỡ với đội ngũ Weta FX đã bắt đầu rồi đây! 3 trong số 6 đề cử cho hạng mục “Visual Effects” của giải Oscars 2023 là những tác phẩm được thực hiện bởi Weta.
Sáng 24/1 theo giờ Mỹ, các đề cử cho giải Oscars lần thứ 95 chính thức được công bố. Đáng chú ý, đối với hạng mục “Visual Effects” (Phim có hiệu ứng kỹ xảo tốt nhất) có 6 cái tên lọt vào danh sách đề cử, trong đó có đến 3 cái tên được thực hiện bởi Weta, gồm Avatar: The Way of Water, Black Panther: Wakanda Forever và The Batman.
3 trong số 6 tác phẩm nhận được đề cử hạng mục “Visual Effects” thuộc về Weta (nguồn ảnh: Oscars)
Bên canh đó, giải Oscars lần thứ 95 là một năm đặc biệt thành công của Weta với 6 trong số 20 nghệ sĩ nhận được đề cử. Đây là đề cử Oscars thứ 12 của Joe Letteri, thứ 3 của Eric Saindon và thứ 4 của Dan Barrett cho riêng Avatar. Ngoài ra, Chris White nhận được đề cử thứ 3 cho Black Panther: Wakanda Forever và Anders Langlands nhận được đề cử thứ 3 cho The Batman.
Các nghệ sĩ VFX của Weta xuất hiện trong các đề cử (nguồn ảnh: tổng hợp)
fxguide đã có cuộc trò chuyện với các Giám sát viên kỹ xảo (VFX Supervisor) của cả ba siêu phẩm này ngay sau khi có thông báo đề cử. Hãy cùng tìm hiểu thêm về thông tin ba bộ phim này nhé!
Avatar: The Way of Water
Nguồn ảnh: Deadline
Breakdown VFX Avatar 2 được thực hiện bởi Weta FX
Đầu tiên fxguide đã có cuộc trò chuyện cùng Eric Saindon – VFX Supervisor, người nhận được đề cử cho Avatar: The Way of Water. Nhận xét về hoạt động sôi nổi của Weta trong năm 2022, Eric chia sẻ: “Thật tuyệt vời khi được làm việc tại một công ty có thể đạt được thành tựu lớn như thế. Có vẻ như mỗi năm, Weta lại nhận thêm nhiều dự án quan trọng hơn. Nhờ vậy, đội ngũ VFX Artist chúng tôi không chỉ cố gắng để tạo ra được sản phẩm kỹ xảo tốt mà còn là cách để mỗi nghệ sĩ cảm thấy tự hào với công việc của mình”.
Avatar: The Way of Water rõ ràng đã đặt ra một thách thức lớn để kể tiếp phần câu chuyện dở dang mùa đầu nhưng phải đảm bảo tạo ra những đột phá mang tính bước ngoặt, xứng đáng với hơn 13 năm chờ đợi mỏi mòn của người hâm mộ.
Kỹ xảo đỉnh cao của Avatar 2 sau 13 năm thật sự xứng đáng với công chờ đợi
Avatar lần đầu tiên chiến thắng giải thưởng Oscars năm 2010 đã mở ra một kỷ nguyên công nghệ kỹ xảo hình ảnh mới cho ngành điện ảnh toàn cầu. “Trong Avatar 1, chúng tôi đã thể hiện một số màn trình diễn thực sự tuyệt vời cho bộ đôi nhân vật chính Zoe và Sam. Khán giả cảm thấy thích họ và họ vẫn mang đầy đủ những đặc trưng cũ xuất hiện ở Avatar 2. Tuy nhiên, trong phần phim mới, cùng với những ứng dụng công nghệ kỹ xảo mới nhất, Weta đã nâng cấp chất lượng hình ảnh và phần thể hiện của tất cả các nhân vật lên một tầm cao mới chứ không còn chỉ tập trung vào các nhân vật chính. Tôi nghĩ rằng điều đó đã tạo nên sự khác biệt lớn cho lần quay trở lại của hành tinh Pandora”. Eric giải thích thêm.
Nguồn ảnh: fxguide
Trong lần chia sẻ tại sự kiện Bake-off, Joe Letteri đã chỉ ra một số ví dụ điển hình về sự đổi mới trong The Way of Water như: hệ thống khuôn mặt, kỹ thuật ghi lại chuyển động dưới nước, cách thức hoạt động của kỹ thuật mô phỏng nước, hệ thống eyeline, LED Volume,…
Eyeline system
Hệ thống eyeline mới của Weta hoạt động giống như cơ chế “bóng tennis chọc vào gậy” (thường để cố định vị trí bóng, hỗ trợ người chơi mới và đặc biệt là các trẻ em định hướng được chuẩn xác hướng di chuyển của quả bóng).
Trong Avatar, những người dân thuộc hành tinh Pandora cao hơn nhiều so với các diễn viên người thật. Chính vì vậy cho nên bất kỳ diễn viên nào cũng cần phải trông cao hơn nhiều trong các cảnh quay, thường là phải cao qua đầu của một người có chiều cao trung bình để tạo ra góc nhìn chuẩn xác cho nhân vật đối diện khi tương tác. Để giải quyết vấn đề này, nhóm quay phim đã lấy thông tin phần chuyển động mô hình đầu được tạo ra trên môi trường kỹ thuật số và sử dụng hệ thống cáp để treo một màn hình chuyển động cỡ nhỏ nối với phần diễn xuất của diễn viên thứ hai trên đó.
Đạo diễn Jame Cameron trao đổi với Cliff Curtis trong một cảnh quay trên hiện trường Avatar 2 (nguồn ảnh: fxguide)
Nói cách khác, diễn viên live-action sẽ nhìn lên một màn hình nổi nhỏ và diễn xuất của diễn viên kia. Điều này giúp diễn viên di chuyển chính xác xung quanh bối cảnh theo thời gian thực nhờ giàn dây điều khiển phức tạp bằng máy tính. “Ví dụ, khi Jack Champion đang diễn xuất trên phim trường, cậu ấy có thể diễn đúng theo hệ thống eyeline. Điều này giúp Jack cảm nhận được có một thứ gì đó có thể tương tác qua lại với mình, cho phép cậu ấy di chuyển và trở lại đúng vị trí cũng như tạo cảm giác thích hợp về không gian, cộng với thời gian cho lời thoại của nhân vật.”
Hệ thống eyeline giúp xác định vị trí, không gian tương tác chính xác với nhân vật khi đưa vào môi trường CG (nguồn ảnh: fxguide)
Casey giải thích: “Hệ thống eyeline giống như một chiếc Superacam (thiết bị camera thường sử dụng để ghi hình trong các trận đấu bóng đá lớn và chiếu trực tiếp lên màn hình lớn) nhưng đã được đổi thành kích thước mini kèm với thiết bị loa bluetooth.”
LED Volumes
Mặc dù phần lớn Avatar được tạo ra bằng kỹ xảo (CG) nhưng cũng có một vài phân cảnh cần sự tham gia diễn xuất của người thật, chẳng hạn như các cảnh có nhân vật Spider (Jack Champion).
Nguồn ảnh: Polygon
Eric giải thích: “Chúng tôi chủ yếu sử dụng sự hỗ trợ của các tấm đèn LED vì khi Spider diễn các cảnh ở trên bề mặt nước, chúng tôi muốn có sự phản chiếu hình ảnh thích hợp mà không cần phải xử lý toàn bộ bằng kỹ xảo.
Nguồn ảnh: fxguide
Weta đã dùng các bảng đèn LED dọc theo mép nước (phần nước phân cách giữa trên và dưới mặt nước) để có được hình ảnh phản xạ phù hợp. Ngoài ra, chúng tôi cũng sử dụng nó khi con tàu lớn Sea Dragon bị chìm xuống lòng đại dương. Công nghệ này giúp mang lại cho đội ngũ kỹ thuật Weta một số hình ảnh phản chiếu và ánh sáng đẹp mắt lên các nhân vật khi họ đi dạo quanh không gian.”
Black Panther: Wakanda Forever
Nguồn ảnh: Polygon
Black Panther: Wakanda Forever | Official Trailer
R. Christopher White được đề cử cho tác phẩm Black Panther: Wakanda Forever. Đây cũng là tác phẩm Weta tham gia đóng góp rất nhiều vào các phân cảnh dưới nước và kỹ thuật dry-for-wet (kỹ thuật xử lý hậu kỳ cho các cảnh phim nhân vật hành động dưới môi trường nước nhưng trên thực tế họ đã quay ở trên cạn).
Nguồn ảnh: Weta FX
Chris và nhóm của anh ấy cho biết rằng Weta đã chủ yếu dựa vào Manuka – công cụ kết xuất quang phổ (spectral renderer) để tạo ra chuỗi hình ảnh dưới nước một cách chính xác. Đây cũng chính là kỹ thuật đã được sử dụng trong Avatar 2. Các phản ứng quang phổ đặc biệt quan trọng khi có sự tác động của khối lượng. Dù là trên hành tinh Pandora hay trái đất, nước trong đại dương đều sẽ phản ứng rất khác nhau với các bước sóng ánh sáng khác nhau.
Nguồn ảnh: Weta FX
Thực tế của việc chụp ảnh dưới nước so với việc tạo ra những hình ảnh mang yếu tố kể câu chuyện và cho phép khán giả nhìn thấy diễn viên một cách rõ nhất đã được thảo luận ngay từ đầu dự án. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu đưa thiết bị quay phim xuống càng sâu, khả năng hiển thị sẽ càng thấp bất kể khoảng cách thiết bị với diễn viên là bao xa. “Đây là điều đã được dự liệu từ rất sớm” Chris khẳng định.
“Với trình kết xuất quang phổ, chúng tôi muốn dựa vào những mô phỏng chân thật dựa trên cơ sở thực tế. Tại Weta, chúng tôi thu thập được các số liệu mẫu về các đại dương khác nhau trên khắp thế giới bằng cách sử dụng phép đo Jerlov có từ những năm 1970.” Chris cho biết thêm.
Weta có những mô phỏng hình dáng nước thực tế khác nhau được ghi lại từ nhiều vùng trên thế giới và đội ngũ kỹ thuật viên đã chuyển đổi những loại nước này theo kỹ thuật quang phổ để chúng có thể sẵn sàng sử dụng cho các cảnh kỹ xảo. “Một phần trong cách tiếp cận của Weta là có các công cụ tích hợp cho phép chúng tôi thêm các chi tiết sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo tính chân thật cơ bản của chuyển động nước trên thực tế. Dựa vào hai cơ sở này, chúng tôi có thể đưa ra quyết định muốn đi chệch hướng bao xa (so với thực tế) để đạt được những mục tiêu sáng tạo mình cần.
Quá trình thực hiện các cảnh quay dưới nước của Black Panther: Wakanda Forever
Bên cạnh đó, quá trình sáng tạo hình ảnh nền văn hóa Maya Trung Mỹ của vương quốc Talokan cũng gặp một số thách thức ở phần xử lý các chi tiết màu đỏ xuất hiện ở trang phục, phụ kiện của nhân vật Namor.
Tạo hình của nhân vật King Namor (nguồn ảnh: Polygon)
Các chi tiết có màu đỏ thường sẽ biến mất hoàn toàn khi xuống môi trường nước do sự dịch chuyển của quang phổ. Vấn đề này đã được đội ngũ Weta giải quyết bằng cách nhân số lượng mô hình (model) và tăng cường màu sắc của chúng, đồng thời điều chỉnh quá trình kết xuất quang phổ bằng Manuka – một công cụ kết xuất do chính đội ngũ Weta nghiên cứu, phát triển trước đó.
“Chúng tôi sẽ điều chỉnh độ hấp thụ của nước sao cho màu đỏ được nâng lên, khiến chúng trở nên rõ ràng đến mức đôi khi chúng tôi thậm chí còn kiểm soát được tia phản xạ của chúng. Khi ánh sáng phát ra từ thiết bị đèn, nó không hấp thụ màu đỏ, nhưng sau khi chạm vào một bề mặt cụ thể, nó sẽ bắt đầu hấp thụ màu đỏ cho đến khi chạm vào máy ảnh.” Chris giải thích.
The Batman
Nguồn ảnh: FXWire
Anders Langlands – VFX Supervisor tại Weta là người nhận được đề cử cho The Batman. Đây là đề cử lần thứ ba của anh ấy cho giải Oscars. Với dự án bom tấn The Batman, Weta đã đóng góp rất nhiều vào phần sản xuất hậu kỳ cho hơn 320 phân cảnh rượt đuổi gay cấn Batcar – một trong những phần phim để lại ấn tượng sâu sắc nhất. Các cảnh rượt đuổi là sự kết hợp hoàn hảo giữa yếu tố kỹ xảo hình ảnh (CGI) và cảnh quay thực tế dưới sự chỉ đạo của đạo diễn hình ảnh thiên tài Greig Frasher.
Quá trình thực hiện các phân cảnh rượt đuổi gay cấn trong The Batman
Greig Frasher là người có gu thẩm mỹ điện ảnh rất riêng. Anh đã lựa chọn quay bộ phim này trong bóng tối. Điều này có nghĩa là quá trình thực hiện cảnh quay cần phải hết sức lưu ý đến mức độ tương phản và tỷ lệ màu sắc, nhất là màu đen. Một trong những thách thức của đội ngũ VFX chính là biến các cảnh quay khô trên hiện trường thành các cảnh phim rượt đuổi trong mưa.
Nguồn ảnh: The Art of VFX
Trên các phân cảnh gốc được quay trong môi trường khô ráo, các FX Weta có nhiệm vụ thêm hiệu ứng mưa rơi, các chi tiết sương mù, tia nước bắn ra từ bánh xe, các tia nước nhỏ khi hạt mưa rơi xuống đất và những giọt nước bị mờ đi trên kính chắn gió của xe,… Đây cũng là phần thử thách nhất trong quá trình làm phim của Weta.
Đối với cảnh cao trào, nhóm FX của Weta đã thực hiện rất nhiều hiệu ứng phá hủy phức tạp trong Houdini. Ví dụ như cảnh một chiếc xe tải đâm vào cầu vượt, một chiếc khác đâm sầm vào vách ngăn trung tâm và chiếc Maserati của Penguin bay lên không trung.
Nguồn ảnh: The Art of VFX
Theo Anders, vì các phân cảnh ô tô CGI cần phải phối hợp hoàn hảo với các phân cảnh người thật đóng nên khía cạnh quan trọng mà nhóm Weta tập trung vào là kỹ thuật chuyển động làm mờ (motion blur). Nhóm đã thực hiện theo dõi các khung hình phụ (sub-frames) để các vệt sáng chuyển động làm mờ của chuỗi hành động được trải dài theo hình dạng chính xác chứ không phải chỉ là một loạt các đường thẳng. Nếu hiệu ứng chuyển động làm mờ chỉ nằm giữa hai khung hình thì phần mềm VFX thông thường sẽ hiển thị nó dưới dạng một đường thẳng. Nhưng nếu ô tô đang quay, các đường mờ do chuyển động sẽ bị bẻ cong khi vật thể di chuyển theo đường tròn trong thời gian màn trập của máy ảnh mở ra.
“Thay vì chỉ quan tâm đến các frame chính như các dự án thông thường, chúng tôi quyết định theo dõi các frame phụ để đảm bảo có được hình dạng phù hợp cho các vệt mờ do chuyển động.” Anders Langlands giải thích.
Tạm kết
Với những chia sẻ bên lề về quá trình đóng góp cho phần sản xuất hậu kỳ cho “tam ca” Avatar: The Way of Water, Black Panther: Wakanda Forever và The Batman đến từ các VFX Supervisor nhận được đề cử tương ứng tại Oscars lần thứ 95, hy vọng rằng bạn đã có thêm những thông tin thú vị về các siêu phẩm đình đám này. Cùng chờ đợi sự kiện công bố các chiến thắng cho hạng mục quan trọng tại Oscars 2023 diễn ra vào tháng 3 để biết được đâu sẽ là cái tên giành được giải thưởng danh giá nhất nhé!
THÔNG TIN LỄ TRAO GIẢI OSCARS LẦN THỨ 95
Giải Oscars lần thứ 95 sẽ chính thức diễn ra vào Chủ nhật, ngày 12/3/ 2023 tại Nhà hát Dolby, Hollywood. Buổi lễ sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh ABC ở Mỹ và phát trực tuyến tại hơn 200 vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
MC Jimmy Kimmel sẽ là người dẫn chính của chương trình. Trước đó anh ấy đã có kinh nghiệm dẫn dắt hai mùa lễ trao giải Oscars lần lượt vào năm 2017 và 2018.
➤ Trang thông tin chính thức: oscar.org
Nguồn thông tin: fxguide
Phận Phạm