Xbox quyết mua lại Activision Blizzard để đối đầu với Apple và Google
Những lùm xùm xung quanh thương vụ Microsoft thâu tóm Activision Blizzard (nhà phát triển game nổi tiếng toàn cầu) với giá 68.7 tỷ đô ít nhiều đã lắng xuống sau khi tập đoàn này thắng kiện trong phiên tòa FTC.
Nguồn: Activision Blizzard
Microsoft đã đề xuất mua Activision Blizzard vào đầu năm ngoái, với mục đích thành lập công ty trò chơi lớn thứ ba thế giới tính theo doanh thu sau Tencent của Trung Quốc và Sony của Nhật Bản. Tuy nhiên thỏa thuận này lại không hề suôn sẻ như tưởng tượng khi FTC (Ủy ban Mậu dịch Quốc gia – Mỹ) đệ đơn kiện chống độc quyền. Các cáo buộc của FTC cho rằng Microsoft không đáng tin và hậu quả của việc này sẽ ảnh hưởng xấu đến tính cạnh tranh công bằng trong ngành game. Đáp lại, Microsoft cho hay cáo buộc của FTC phớt lờ một thế lực không hề nhỏ trong làng console là Nintendo với sản phẩm Switch. Họ cũng cho thấy việc tôn trọng cạnh tranh công bằng thông qua các thỏa thuận duy trì sự có mặt của tựa game này trên hệ máy PlayStation của đối thủ Sony trong 10 năm tới và hỗ trợ game tiến sang Nintendo Switch.
Áp đảo và giành chiến thắng thuyết phục, Microsoft rộng đường tiến tới việc mua lại Activision Blizzard trên đất Mỹ. Như một cách để xoa dịu đôi bên, vài tháng qua họ đã công bố quyết định bán bản quyền các trò chơi Activision phát trực tuyến trên nền tảng đám mây cho Ubisoft (Một hãng chuyên phát hành và phát triển game đa hệ máy).
Nhưng mọi chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó, khi công chúng bắt đầu hướng tâm điểm bàn luận sang việc Xbox (nhà sản xuất máy chơi điện tử cầm tay của Microsoft) được tiếp cận độc quyền vào các trò chơi của Activision Blizzard bao gồm cả tựa game “Call of Duty” đình đám. Nói về điều này, ông Phil Spencer – CEO Microsoft Gaming trong cuộc phỏng vấn với trang Eurogamer cho hay: “Xbox đang muốn mang việc mua sắm trò chơi Xbox đến với nền tảng di động và tạo ra cửa hàng trò chơi thế hệ mới. Đó là lý do sâu xa khiến chúng tôi quyết tâm theo đuổi thương vụ này.”
Ông chia sẻ: “Di động là phân khúc trò chơi lớn nhất, với gần 95% người chơi trên toàn cầu tham gia trò chơi trên thiết bị di động. Thông qua đội ngũ và công nghệ tuyệt vời, Microsoft và Activision Blizzard sẽ giúp người chơi tận hưởng các trò chơi nhập vai sống động nhất. Rõ ràng, vấn đề không phải độc quyền hay không mà mảng kinh doanh di động của Activision Blizzard mang đến sự hiện diện và cơ hội đáng kể cho Microsoft trong phân khúc đang phát triển nhanh chóng này.”
Khi được hỏi liệu có “kế hoạch B” nào trong trường hợp thương vụ bị thất bại, ông Phil Spencer tự tin bản thân chưa bao giờ nghĩ về điều đó: “Kể cả vẽ ra bao nhiêu kế hoạch đi chăng nữa, thì mục tiêu cuối cùng mà chúng tôi hướng đến vẫn là tạo ra một cửa hàng trò chơi thế hệ mới hoạt động trên nhiều thiết bị, đặc biệt là di động. Để Xbox tiếp tục phát triển, chúng tôi cần có những chiến lược rõ ràng và dứt khoát.”
Nguồn: Activision Blizzard
Đây không phải lần đầu tiên Xbox thể hiện tham vọng với thị trường di động khi mà vào tháng 3 vừa qua, ông Phil Spencer đã tiết lộ rằng cửa hàng trò chơi di động của Microsoft có thể ra mắt sớm nhất vào năm 2024 và cạnh tranh trực tiếp với Google Play lẫn App Store.
“Hãy nhìn lại Steam – Một nền tảng phân phối trực tuyến, quản lý bản quyền kỹ thuật số, trò chơi điện tử nhiều người chơi, và dịch vụ giao tiếp xã hội trên nền internet phát triển bởi Valve Corporation. Tại sao người chơi lại đến đó? Bởi vì Half – Life rất tuyệt vời (Half-Life là game bắn súng góc nhìn thứ nhất huyền thoại được phát triển và phát hành bởi Valve. Các trò chơi kết hợp phong cách chơi chiến đấu, bắn súng, giải đố và hoàn thành cốt truyện.). Họ muốn tìm thêm các gói mở rộng của trò chơi này và nhiều hơn thế nữa. Bởi vậy, khi chúng tôi xem xét việc xâm nhập vào một nền tảng khác, chúng tôi luôn hy vọng nền tảng đó sẽ mở ra những cơ hội lớn.”
Spencer vẫn tin tưởng vào thương vụ Activision Blizzard. Nhưng ngay cả khi đã “chiến thắng” ở thị trường châu Âu, công ty vẫn phải đối mặt với các cuộc chiến pháp lý khác ở Mỹ. Được biết, hiện nay các cơ quan quản lý ở Arab Saudi, Brazil, Chile, Serbia, Nhật Bản và Nam Phi đã phê duyệt thỏa thuận mua lại của Microsoft. Trong khi đó, Trung Quốc, Hàn Quốc, New Zealand và Australia vẫn đang trong quá trình xem xét thỏa thuận.
Theo 80.lv
Giang Hoàng